Hồ sơ vụ án

Tòa án xét xử vắng mặt - Tội phạm tham nhũng trốn cũng không thoát (Bài 1)

Biên Thùy-Mạnh Hùng 28/08/2023 21:31

Sau khi thông đồng, cấu kết để trúng các gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cùng 07 đối tượng bỏ trốn.

Lời Tòa soạn: Đầu năm 2023, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 36 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Tiến bộ quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị liên quan. Trong đó, có 08 bị cáo được đưa ra xét xử và tuyên án vắng mặt. Tiếp đó, đến tháng 5/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm đã xác định không đủ căn cứ chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo đang bỏ trốn.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 16/8, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho rằng “Đây là điểm mới, nổi bật trong phòng, chống tham nhũng, là cơ sở dẫn độ tội phạm, nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn".

Bài 1: Khẩn trương điều tra, kịp thời xét xử

Sau khi thông đồng, cấu kết để trúng các gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cùng 07 đối tượng bỏ trốn. Tuy nhiên, với việc xét xử vắng mặt các bị cáo, Tòa án đã tuyên bản nghiêm khắc, đúng quy định, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh tội phạm và truy bắt đến cùng tội phạm tham nhũng cố tình lẩn trốn khỏi pháp luật.

Những mánh khóe phạm tội tinh vi

Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC, giữ các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Trong quá trình điều hành Công ty, Nguyễn Thị Thanh Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng” của Công ty Cổ phần Tri thức và Công nghệ cao Quốc tế (viết tắt là Công ty TCI - Công ty con của Công ty AIC) trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đang là Bí thư Tỉnh ủy) sắp xếp gặp lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty tham gia các dự án của tỉnh. Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

xet_xu_vang_mat.png
8 bị cáo bị đưa ra xét xử vắng mặt do bỏ trốn trong vụ đại án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Bộ Công an

Năm 2010, khi Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào Dự án, Bồ Ngọc Thu báo cáo Trần Đình Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư thiết bị thì Trần Đình Thành điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn đề nghị Nhàn giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho Dự án và được Nhàn đồng ý.

Trước khi UBND tỉnh ra quyết định bổ sung vốn đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào Dự án, Hoàng Thị Thúy Nga đến gặp và mời Trần Đình Thành ăn cơm trưa, Thành điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ đến ăn cơm cùng. Tại đây, ông Thành giao cho Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế của Dự án do Công ty AIC có khả năng và uy tín, có nhiều mối quan hệ với Trung ương và có công xin vốn cho tỉnh.

Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đồng Nai được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giới thiệu Nguyễn Thị Dung-Giám đốc Công ty Liên doanh trách nhiệm hữu hạn Tư vấn y tế Mediconsult Việt Nam với Phan Huy Anh Vũ để Vũ chỉ định công ty này thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu thiết bị.

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga chỉ đạo nhóm kỹ thuật Công ty AIC lập các báo giá khống (báo giá được nâng từ 1,3 - 2 lần so với giá thực tế của thiết bị) để gửi các Công ty liên quan ký xác nhận để làm căn cứ xác định giá thiết bị trong Chứng thư thẩm định giá. Căn cứ vào các Chứng thư thẩm định giá này, Chủ đầu tư phê duyệt dự toán các gói thầu, lập và trình phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực dự thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn-Kế toán trưởng, Lê Thị Hương-Nhân viên kế toán chỉnh sửa các số liệu trong Báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012, 2013 của Công ty AIC để làm tăng Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và tăng vốn chủ sở hữu so với Báo cáo tài chính đã báo cáo cơ quan Thuế; sau đó thuê đơn vị kiểm toán là Công ty Kiểm toán KTV xác nhận Báo cáo tài chính đã chỉnh sửa để đưa vào hồ sơ dự thầu.

Nhàn còn chỉ đạo Hoàng Thị Thúy Nga và nhân viên mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho cả Công ty “Quân đỏ” và Công ty “Quân xanh” để nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nhàn ký và chỉ đạo Trần Mạnh Hà ký các Phụ lục hợp đồng điều chỉnh điều khoản phạt hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại 3.523.023.081 đồng. Hành vi của các đối tượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 140.294.541.419 đồng.

Đây là vụ án được tổ chức tinh vi, phân vai đầy đủ dưới sự chủ mưu, cầm đầu và đạo diễn của Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Mỗi người đều được bà Nhàn phân công trách nhiệm cụ thể với các quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng. Giúp sức tích cực ở vị trí quan trọng cho bà Nhàn là Phó Tổng giám đốc Trần Mạnh Hà, tiếp đến là Phó Tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga.

Phối hợp giải quyết vụ án khẩn trương, quyết liệt, kịp thời

Để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng, Nhàn đã yêu cầu nhân viên, lãnh đạo chủ chốt xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ.

Trước khi vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được Cơ quan điều tra (Bộ Công an) khởi tố (tháng 4/2022), có 08 đối tượng liên quan trong vụ án đã bỏ trốn gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC); Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, Nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời bắt tạm giam nhiều đối tượng, trong đó có một số quan chức tỉnh Đồng Nai.

xet_xu_vang_mat.jpeg
Đưa vụ án có 8 bị cáo vắng mặt do bỏ trốn ra xét xử cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt, kịp thời của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ảnh: Mạnh Hùng

Căn cứ kết quả thu thập tài liệu, phục hồi, trích xuất dữ liệu; lời khai của các bị can, chứng từ, tài liệu của Giám đốc, nhân viên các công ty làm “quân xanh” cung cấp, đủ cơ sở xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn là kẻ chủ mưu, cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Sau khi vụ án được khởi tố, vấn đề đặt ra là 08 đối tượng trong vụ án bỏ trốn, liệu cơ quan tố tụng có tạm đình chỉ giải quyết vụ án đối với các bị can này theo tiền lệ đang làm hay không?

Trước tình huống pháp lý này, các cơ quan tố tụng đã vận dụng, xem xét đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo điều tra, xử lý quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bà Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu trong hành vi vi phạm quy định đấu thầu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai. Không chỉ Nhàn, 07 người bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các đối tượng khác trong vụ án.

Chính vì vậy, nếu tạm đình chỉ truy tố đối với 08 người nêu trên sẽ ảnh hưởng đến vụ án. Cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố và xét xử là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Việc này còn nhằm đảm bảo công bằng cho các bị cáo khác trong cùng vụ án.

Nói về việc này, Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) cho rằng, việc kết luận điều tra vụ án đảm bảo tuân thủ quy định, cho thấy chất lượng điều tra đã được nâng lên. Việc điều tra không chỉ phụ thuộc vào lời khai mà đảm bảo thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.

Về công tác xét xử vụ án, Tòa án đã nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ các quy định của pháp luật, đưa ra xét xử kịp thời, tuyên các bản án nghiêm khắc, đúng pháp luật, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ “đại án” tham nhũng.

Nhìn lại toàn bộ quá trình tố tụng vụ án cho thấy có nhiều điểm đặc biệt, hiếm có tiền lệ, đặc biệt cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, truy tố, kịp thời đưa ra xét xử vụ án ngay cả khi có nhiều bị can/bị cáo đang bỏ trốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án xét xử vắng mặt - Tội phạm tham nhũng trốn cũng không thoát (Bài 1)