Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thuế thu nhập cá nhân một lần nữa là vấn đề “nóng”.
Cử tri mong muốn Bộ Tài chính sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo kế hoạch thì năm 2025 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trả lời báo chí, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, các nội dung đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được tính toán cân nhắc từ đầu nhiệm kỳ. Việc luật Thuế thu nhập cá nhân được xếp vào chương trình năm 2025 xem xét là bình thường, đúng lộ trình.
Ông Lâm cho hay, bản thân ông cũng "rất sốt ruột" với việc sửa chính sách thuế TNCN và trên hội trường Quốc hội ông đã nêu vấn đề này, kiến nghị "cần sửa càng sớm càng tốt" khi nhiều chính sách thuế bất cập, trong đó có thuế TNCN.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2023, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN hiện thấp so với cuộc sống tại các đô thị và sẽ tăng mức này khi sửa luật.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỉ đồng. Mức này giảm so với con số 166.733 tỉ đồng ghi nhận hết năm 2022. Đáng nói, mức thu thuế TNCN năm 2023 là mức giảm lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Con số này cho thấy, thu nhập của người dân giảm sút trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh... "lạc hậu cả chục năm". Một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7/2020.
Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu đồng xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Trong khi hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên tắc cốt lõi của thuế TNCN phải đánh vào những người có thu nhập cao nhưng vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế. Theo ông Thịnh, hiện nay, thuế TNCN của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ông Thịnh dẫn ví dụ, Singapore đã giảm mức thuế TNCN về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%.
“Người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần thông qua đóng thuế. Ngoài ra, ở Việt Nam, chủ yếu người gánh thuế TNCN là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng”, ông Thịnh khuyến nghị.
Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nay là Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, cho biết: Đối với Luật thuế TNCN, cùng với việc xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp thì Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu các quy định khác như: Ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần, mức độ giãn cách giữa các mức thuế khi tính toán nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; chính sách ưu đãi đối với nhân lực trình độ cao; hay chính sách thuế đối với các khoản thu nhập mới phát sinh..., để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN trong các năm 2025, 2026.
Năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật thuế TNCN, chính sách pháp luật quản lý thuế từ cơ quan thuế các cấp, người nộp thuế để nghiên cứu, đề xuất khi sửa đổi chính sách pháp luật thuế TNCN và chính sách pháp luật quản lý thuế.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Do đó, Bộ Tài chính cần nhanh chóng vào cuộc, đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng “khoan thư sức dân”, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời góp phần giảm khó khăn cho người lao động.