Tâm điểm dư luận

Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Trung Nguyễn 19/10/2023 - 11:10

Tại Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, một trong những nội dung mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm là tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp dù công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước đột phá mới.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, tiến hành 18.113 cuộc kiểm tra tại 156.708 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, đã tiến hành 15.177 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 865 vụ việc vi phạm, 1.374 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường trên 972 tỷ đồng.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; đã xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước đột phá mới, nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quyết liệt triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh; qua đó đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho thấy, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, trăn trở vì tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày một tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai, thậm chí xảy ra ngay ở một số cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Trước đó, Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả tích cực, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế và đều là những hạn chế không mới, đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng Chính phủ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Đó là, việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tuy đã bước đầu phát huy được hiệu quả nhưng kết quả vẫn còn có những hạn chế; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…

Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, cụ thể như: Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương; xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, trong đó có vai trò của người dân trong phát hiện và mạnh dạn tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng