Trong những ngày lễ tết, số ca cấp cứu thường tăng 20-30% so với ngày thường. Nguyên nhân do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý, cộng với tâm lý lười vận động khiến nam giới mắc không ít bệnh nguy hiểm.
Ngộ độc rượu: Ngày lễ Tết, cánh đàn ông thường uống quá chén làm tình trạng ngộ độc rượu tăng gấp nhiều lần ngày thường. Người trúng độc rượu có biểu hiện nôn mửa, lời nói không rõ ràng, động tác vụng về, sắc mặt tái mét, mồm miệng tím tái, thân nhiệt hạ, mê man, bất tỉnh.
Đái tháo đường: Ngày lễ, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, các thực phẩm giàu chất béo như giò thủ, thịt đông, thịt kho tàu, ít rau xanh, lười vận động gây rối loạn chuyển hóa lipid làm nhiều cánh mày râu mắc bệnh đái tháo đường.
Tim mạch: Ngày lễ, việc sử dụng các loại thực phẩm công nghiệp như: thịt hộp, cá hộp; thực phẩm nhiều muối: dưa, củ cải muối, mì, phở, cháo ăn liền, tương, giò chả hoặc các loại thịt mỡ, da, phủ tạng động vật làm tăng cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở nam giới.
Béo phì: Ngày lễ, thực đơn có nhiều thực phẩm nhiều năng lượng, nhiều dầu mỡ, cholesterol và đường như:các món ăn dạng chiên, quay, xào... làm tăng cholesterol, gây tăng dự trữ mỡ - đây là nguồn cung cấp năng lượng rỗng, không dùng cho cơ thể hoạt động mà sẽ được chuyển hóa thành dạng mỡ dự trữ, lâu ngày gây bệnh béo phì.
Bệnh táo bón: Chủ yếu là do chế độ ăn ít chất xơ và thiếu vận động. Ngoài ra, việc lạm dụng cà phê và các loại nước giải khát có chứa ca/ ein càng làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn. Trong những ngày Tết, nhằm tránh bị táo bón cần ăn đủ chất xơ: ≥ 300g rau/ngày (có nhiều trong rau quả, trái cây, các loại đậu, bột ngũ cốc còn nguyên vỏ cám). Uống nhiều nước từ 6-8 cốc nước mỗi ngày (tương đương từ 1,5-3 lít). Nên uống nước vào buổi sáng sớm, trước khi ăn, sẽ kích thích nhu động ruột khiến việc đi tiêu dễ dàng hơn. Các loại nước trái cây, nước rau luộc cũng là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.
Bệnh gout: Các loại thức uống chứa chất cồn như rượu, bia, nội tạng động vật (óc, gan, bầu dục), hải sản (trừ cá), thịt, nấm, măng tây xuất hiện trong thực đơn các ngày lễ… vì dễ làm dư thừa axcid uric. Axit uric có thể kết tủa thành các tinh thể tích tụ trong bao hoạt dịch, ổ khớp gây đau đớn dữ dội cho cánh mày râu.
Bệnh về gan: Trong ngày lễ, nếu mải vui mà nhiều nam giới ăn uống quá độ, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất mỡ hoặc đường, uống rượu, hút thuốc lá... sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn, từ đó các bệnh về gan bộc phát mạnh hơn.
Ngộ độc thực phẩm: Ngày lễ, giờ ăn uống không cố định nên dạ dày thường phải làm việc quá sức hoặclà dùng thức ăn kém vệ sinh nhưng cũng có thể do không quen thức ăn hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau. Biểu hiện thường là nôn ói và đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hơn hay tiêu chảy nhiều hơn.
Nếu đúng là do ngộ độc thức ăn thì hãy tìm cách nôn ra hết số thực phẩm đó vì cơ thể tỏ ra đã không muốn chấp nhận nó. Cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy trừ khi đi quá nhiều lần và kéo dài, vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.
Cảm lạnh và bệnh đường hô hấp: Viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh là những căn bệnh thường gặp trong mùa Tết . Do tiết trời ẩm và không khí lạnh, dễ có các triệu chứng sốt, đau nhức mình mẩy. Khi cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì có khả năng bạn đã bị cúm, hoặc cảm lạnh ở giai đoạn nặng sẽ dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang...
Cách phòng bệnh tốt nhất là mặc ấm khi trời lạnh, không dùng chung khăn mặt và bàn chải đánh răng với người khác, che miệng khi ho và hắt hơi. Nếu bị cảm lạnh, nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, đồng thời bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khỏe.
Đột quỵ: Những buổi tiệc tùng và bia rượu chính là nguyên nhân khiến nhiều nam giới bị đột quỵ. Họ sử dụng rượu bia, ăn những thức ăn chứa nhiều muối, mỡ và đi lại trong thời tiết giá lạnh, đó là những tác nhân dẫn đến cơn tăng huyết áp đột ngột.