“Thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa, Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng. Tết Thanh minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với phong tục truyền thống của người dân Việt Nam.
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí của năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Theo quy ước, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 - 21/4 dương lịch, rơi vào khoảng tháng 3 âm lịch.
Thanh Minh tức là chỉ thời điểm khí trời mát mẻ, quang đãng. Ở miền Bắc Việt Nam, đây là thời điểm trời đã hết mưa phùn, nồm ẩm, thời tiết trở nên trong sáng, dễ chịu. Ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh được gọi là Tết Thanh minh.
Tết Thanh minh của mỗi năm có sự xê dịch khác nhau. Năm 2024, Tết Thanh minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch, tức 26/2 âm lịch.
Vào tiết Thanh minh, mọi người thường đi tảo mộ, sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên, dòng tộc cho sạch sẽ. Đây là dịp cho con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thuận, báo hiếu, trả nghĩa ông bà, tổ tiên.
Cùng với việc đi tảo mộ, con cháu cũng sắm sửa lễ vật để thắp hương, cắm hoa cho người đã khuất. Dù là cúng trong nhà hay ngoài mộ thì quan trọng nhất là lòng thành, lễ vật tùy điều kiện kinh tế đến đâu lo đến đó. Đặc biệt tiền vàng nếu cần đốt thì chỉ nên nhỏ gọn, không nhiều quá gây ảnh hưởng môi trường.
Trong ngày Tết Thanh minh, mỗi gia đình cũng nên dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, lau bát hương, thay hoa cho gọn gàng, sạch sẽ, để thể hiện lòng thành kính.