Văn hóa - giải trí

Độc đáo nét văn hóa Tết Thanh minh của người Tày, Nùng

Nguyễn Liên 22/04/2023 - 15:21

“Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành một ngày lễ quan trọng, thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Với người Tày, Nùng thì Tết Thanh minh dường như độc đáo hơn vì gắn với nét văn hóa truyền thống của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.

Thanh minh là từ Hán Việt, có nghĩa là trời trong sáng, là lễ tảo mộ. Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và được người phương Đông coi là một lễ tiết.

Theo ước lệ, tiết thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 20/4 dương lịch (khoảng tháng 3 âm lịch, tháng 2 nhuận). Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

tn..jpg
Người Tày-Nùng Cao Bằng dù làm ăn xa cũng đều sắp xếp về cùng gia đình làm Tết Thanh minh

Lên Cao Bằng, Bắc Kạn vào những ngày này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh từng đoàn người gồng gánh tấp nập đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ trên các sườn đồi. Bà con thường đến mộ từ sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau đó mới kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên.

Theo phong tục của đồng bào Tày, Nùng, vào ngày Tết Thanh minh, tất cả các gia đình đều đi tảo mộ tổ tiên. Trong tiềm thức của người Tày, Nùng, ngày Tết Thanh minh là ngày để con cháu nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên và người đã khuất, cho nên dù sinh sống hay làm ăn ở bất cứ nơi đâu, họ cũng trở về quê để cùng gia đình, người thân thực hiện lễ cúng này.

Tết Thanh minh, còn gọi là Tết "bươn slam, so slam", rơi vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch. Khác với người Kinh dưới xuôi và một số dân tộc khác thường tổ chức tảo mộ theo ngày in trên lịch, bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng lại tổ chức Tết Thanh minh vào đúng ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hằng năm.

Ban đầu, chỉ có người Tày, Nùng tổ chức Tết Thanh minh, sau dần, người Kinh ở dưới xuôi lên Cao Bằng sinh sống cảm nhận nét đẹp văn hóa tục lệ này cũng hưởng ứng, tổ chức Tết Thanh minh, đi tảo mộ giống như bà con người dân tộc ở đây.

adf.jpg
Vật phẩm đặc trưng nhất cho Tết Thanh minh trong mâm cỗ là xôi "đăm đeng".

Cùng chung nét văn hóa, đồng bào Tày, Nùng ở Bắc Kạn cũng tổ chức Tết Thanh Minh vào mùng 3 tháng Ba Âm lịch. Đây là Tết lớn trong năm sau Tết Nguyên đán. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, còn là dịp con cháu trong gia đình, dòng họ đoàn tụ sum vầy...

Trong ngày này, tất cả các tuyến đường trong tỉnh, từ thành phố Bắc Kạn đến các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể hay xa xôi như huyện Pác Nặm đều nhộn nhịp xe cộ, mọi người, mọi nhà tấp nập đi tảo mộ, thắp hương cho tổ tiên trên các sườn đồi.

Thời gian tảo mộ thường là từ sáng sớm tới gần trưa. Người đi tảo mộ đều ăn vận chỉnh tề. Các nghi thức khấn vái nơi phần mộ do người lớn tuổi đảm nhiệm. Thanh niên nam nữ thì lo phần việc quét dọn, sửa sang, đắp mới cho các ngôi mộ. Trẻ em theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết về những ngôi mộ của gia tiên, sau là học cách kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

tm5.jpg
Các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp phần mộ tổ tiên.
a1.v.jpg
Gia đình người Tày, Nùng tập trung con cháu viếng mộ tổ tiên.

Để ăn Tết, thông thường ngoài chuẩn bị rượu, thịt, đồng bào còn làm các loại bánh. Tết Thanh minh của đồng bào Tày, Nùng không ăn bánh trôi, bánh chay như người Kinh, món ăn đặc trưng nhất trong dịp Tết này là món xôi "đăm đeng".

Xôi "đăm đeng" tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen. Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, trắng, vàng. Xôi được nhuộm bằng lá cẩm, lá cây sau sau, nghệ, gấc… nên màu sắc rất đẹp mắt, ăn ngon và rất an toàn. Ngoài ra, Tết Thanh minh còn nhiều món khác như thịt gà, măng kẹp thịt, đậu phồng nhồi thịt, cá rán...

“Khẩu nua đăm đeng” được nấu từ gạo nếp cái - thứ gạo hạt căng tròn, trắng bóng được xát từ những bó thóc nếp treo trên gác bếp nhiều tháng trước đó. Ở đây, khi thu hoạch lúa nếp, bà con không tuốt, mà để nguyên bông lúa nếp, đem bó lại treo lên gác bếp, khi chuẩn bị làm xôi mới xát thành gạo. Khi đó, xôi vẫn giữ được hương thơm của gạo mới.

Để có được “khẩu nua đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen), nhưng thực ra là có tới cả năm mầu (xôi ngũ sắc) là một sự kỳ công và sáng tạo được lưu truyền qua nhiều đời. Việc chuẩn bị cho “khẩu nua đăm đeng” phải qua nhiều công đoạn. Gạo nếp đem ngâm và được nhuộm bằng lá cây rừng và quả tạo nên màu sắc đẹp mắt, ăn ngon nhưng cũng rất an toàn.

Ngoài ra, đồng bào còn lấy lá gai, lá ngải về ngâm với bột gạo nếp để làm bánh lá ngải, bánh gai, hay lấy hoa chuối rừng về làm bánh nhân hoa chuối…

tn2..jpg
tm4.jpg
Sau khi hoàn tất các nghi thức cũng bái tổ tiên, con cháu sẽ ngồi ăn bên phần mộ của gia đình.

Tết Thanh minh cũng là ngày anh chị em, họ hàng gặp gỡ đông đủ nhất vì đây là dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, dòng tộc. Cũng trong ngày này, đối với những ngôi mộ vô chủ, nếu nằm gần khu vực có mồ mả của người làng, cũng được những người đi tảo mộ thắp hương và đốt vàng mã.

Bà Trần Thu Huệ (TP. Cao Bằng) chia sẻ: "Khi bà nội tôi còn sống, bà thường nhắc con cháu có sinh sống ở đâu xa cũng cố gắng về quê trong dịp Tết Thanh minh. Bà bảo, chỉ có dịp Thanh minh là những người đã khuất như ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu. Khi ấy, con cháu phải đi tảo mộ và có thể cầu khấn để những người đã chết phù hộ độ trì cho con cháu có sức khỏe, công việc làm ăn được hanh thông, gia đình giàu có… Và không biết từ bao giờ, Tết Thanh minh đã đi vào ký ức của chúng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối tiếp nhau giữ gìn văn hóa, bản sắc của dân tộc mình".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo nét văn hóa Tết Thanh minh của người Tày, Nùng