Đời sống

Rạng ngời chiến sĩ Điện Biên nơi cội nguồn cách mạng

Nguyễn Liên- Ánh Nguyệt 06/05/2024 - 07:29

Những ngày tháng 5 lịch sử của 70 năm trước, là những ký ức không bao giờ quên với những người lính một thời “vào sinh ra tử” của “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, họ đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo để kết “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Những người lính Điện Biên nơi cội nguồn cách mạng Cao Bằng đến ngày nay vẫn giữ khí chất người lính cụ Hồ.

Tự hào chiến sỹ lái xe Pháo cao xạ

Chiến khu Việt Bắc là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng lựa chọn căn cứ địa chống Pháp. Nơi đây đã ghi những dấu ấn, ra đời nhiều quyết sách lịch sử, 70 năm trước nơi đây khởi nguồn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.

Sự kiện lịch sử ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, thuộc xã Phú Đình (Định Hóa) - trung tâm Thủ đô cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

pon.jpg
Người lính Điện Biên Nguyễn Tiến Pồn trong căn nhà nhỏ, giản dị của mình

Cũng tại đây, lớp lớp thế hệ theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ trên khắp mọi miền lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 70 năm trôi qua, không khóe mắt của người lính Nguyễn Tiến Pồn, xóm Nà Mè, Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An vẫn còn nguyên những ký ức hào hùng, oanh liệt.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Pồn giản dị, sạch sẽ, người lính ở độ tuổi ngoài 90 “xưa nay hiếm” vẫn còn giúp con cháu việc nhà. Thấy chúng tôi đến thăm, ông phấn khởi lắm, câu chuyện vừa được cởi mở có biết bao cảm xúc trào dâng.

Ông Pồn sinh năm 1928; ông được kết nạp Đảng khi chỉ mới 13 tuổi, và gia nhập đội Hội Nhi đồng cứu quốc; năm 1945, ông tham gia Mặt trận Việt Minh … Đầu năm 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, biên chế Đại đội 824, Tiểu đoàn 381, thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 với nhiệm vụ chính là lái xe chuyển pháo tại khu vực phía Đông đồi A1.

Ông Pồn chia sẻ “việc xuất hiện pháo cao xạ 37mm (pháo phòng không không quân) tại lòng chảo Điện Biên Phủ là điều bắt ngờ đối với thực dân Pháp, bởi những khẩu pháo này không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không Tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ”

Tuy nhiên, để đưa được những khẩu pháo ấy vào mặt trận Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã phải trải qua vô vàn khó khăn bởi khẩu pháo nặng 2,4 tấn cùng nhiều phụ kiện như con xe, đạn dược. Quân ta dùng sức người để kéo pháo vào trận địa; từ pháo thủ, dân công, thanh niên xung phong, đều cùng nhau kéo pháo.

"Con đường kéo pháo có đoạn dốc cao vời vợi, bên là vực sâu, tôi đánh xe lên phía trước kéo dây cáp và tất cả cùng kéo bằng tay. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định huy động lực lượng tại chỗ, kéo pháo vào trận địa bằng sức người, hành quân ban đêm, bảo đảm tuyệt mật. Trời rét, đường kéo pháo nhiều đèo dốc, vực sâu thăm thẳm, đêm rừng tối đen, chúng tôi kiên cường kéo pháo, tất cả không ai chùn bước. Chúng tôi kéo cả đêm được 4 km, bắt đầu từ 18 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau mới đến địa điểm tập kết", ông Pồn chia sẻ.

Kéo pháo vào đã gian khổ nhưng kéo pháo ra còn khó khăn hơn, quân địch phát hiện ra đường kéo pháo của ta, chúng bắn xối xả cản đường kéo pháo, nhưng bộ đội ta dũng cảm vượt qua bom rơi, lửa đạn, quyết tâm đưa pháo ra, không ai lo lắng đến tính mạng của mình mà chỉ lo giữ gìn pháo an toàn.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với các binh chủng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo cao xạ của quân ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc.

Kể đến đây, ông Pồn như sống lại những ký ức năm xưa, ánh mắt đầy tự hào khi đại đội lần đầu tiên bắn hạ 2 chiếc máy bay địch.

"Khi phát hiện 2 chiếc máy bay địch xuất hiện bay lượn trên bầu trời cứ điểm, chúng tôi dùng pháo 37 ly bắn hạ cả 2 chiếc; mục tiêu trúng đạn, máy bay địch rơi, chúng tôi đã ôm nhau vui mừng trong nước mắt, nhưng không dám reo hò vì đảm bảo bí mật để tiếp tục chiến đấu", ông Pồn nhớ lại.

o-pon-2.jpg
Ông Nguyễn Tiến Pồn luôn nỗ lực sống, cống hiến tấm gương Bộ đội cụ Hồ cho lớp lớp thế hệ trẻ học tập.

Trong 2 ngày đầu của đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 7 máy bay Hen-đi-vơ và Hen-cát của địch. Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, Trung đoàn 367 bắn rơi 14 máy bay địch các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác.

Qua 55 ngày đêm chiến đấu, lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh ta đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác.

Ông cũng nhắc lại, xóm Nà Mè có 12 người xung phong ra trận, nhưng khi trở về chỉ còn vài người, tất cả đã nằm xuống mảnh đất Điện Biên.

Kết thúc chiến tranh ông nhận huy hiệu chiến sỹ Điện Biên, chiếc ca uống nước mang dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”. Sau kháng chiến chống Pháp, ông Pồn tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Năm 1965, ông Pồn tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam; năm 1968, được điều động ra Bắc. Năm 1979, chiến tranh Biên giới diễn ra, một lần nữa ông trực tiếp ra trận với tinh thần người lính Điện Biên năm xưa đã cùng nhân dân bảo vệ từng tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ quê hương của mình.

Chia tay chúng tôi, ông Pồn xoa xoa đôi bàn tay vào những tấm huân huy chương, bằng khen, giấy khen gói cất cẩn thận. Ông bảo đó là kỷ vật thiêng liêng ông lưu giữ ký ức của những đồng đội pháo xạ của 70 năm trước. Ông vẫn tâm niệm, được may mắn trở về, ông sẽ luôn giữ vẹn nguyên hình ảnh, những kỷ vật, ký ức của những năm tháng tuy gian khó, vất vả, hi sinh nhưng vô cùng oanh liệt, hào hùng và rất đỗi tự hào quân và dân ta.

Ký ức bác sĩ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công cuộc xây dựng chế độ mới và chống giặc ngoại xâm đòi hỏi sự đoàn kết và nỗ lực vô cùng lớn của toàn dân tộc, đặc biệt là sự tham gia góp sức của tầng lớp trí thức cùng các nhà khoa học, trong đó có tập thể y, bác sĩ. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đội ngũ y, bác sĩ là những chiến sĩ chiến đấu thầm lặng để chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho chiến sĩ, nhân dân, luôn kề vai sát cánh cùng đồng bào cả nước chiến đấu chống giặc ngoại xâm để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiến sĩ khoác lên mình chiếc áo blouse đối diện cùng chiến sĩ nơi chảo lửa, “cùng vào sinh ra tử”. Nhớ lại những ký ức 70 năm trước, người y tá Đàm Quang Lợi vẫn hồi ức về những ngày tháng lịch sử ấy một cách hào hùng, rất đỗi tự hào.

Ông Lợi kể lại câu chuyện của 70 năm trước cho chúng tôi nghe về duyên đến với nghề chăm sóc bệnh nhân bằng câu chuyện rất chân thật. 8/1951, ông Đàm Quang Lợi ở xóm Nà Niền, xã Đức Long (Hòa An) được tuyển vào làm nhân viên phục vụ cho cố vấn Trung Quốc ở Phòng Giao tế Trung ương, đặt tại huyện Phổ Thông (Bắc Kạn).

12345.jpg
Ông Đàm Quang Lợi ở xóm Nà Niền, xã Đức Long (Hòa An) Chiến sĩ Điện Biên đã ở tuổi ngoài 90

Đến năm 1952, ông xung phong và được điều động tham gia chiến dịch Tây Bắc rồi đến chiến dịch Thượng Lào, nhằm giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa của cách mạng Lào, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Sau khi chiến dịch hoàn thành các mục tiêu đề ra, lực lượng bộ đội của ta rút về, ông Lợi được tổ chức cử tham gia lớp đào tạo trực thuộc Cục Quân y tại Phân viện 5, tỉnh Thái Nguyên gồm 100 học viên.

Tiếp đến 3/1954, sau 6 tháng hoàn thành đào tạo, ông Lợi cùng với các học viên được phân công nhiệm vụ là y tá tại Đội điều trị 6, theo đơn vị hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ để chăm sóc, điều trị thương binh.

Ký ức đường lên Điện Biên hồi ấy, bộ đội phải đi bộ gần 600 cây số, trên lưng vác ba lô nặng 30 kg. Đoàn quân cứ đêm đi, ngày nghỉ để tránh bị địch, sau khoảng một tháng hành quân băng rừng, vượt suối, leo đèo, “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non….".

Vào trận chiến với tinh thần “….phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Toàn quân, dân một lòng cẩn thận tỉ mỉ đảm bảo không có sai sót. Thời điểm đó lực lượng quân y kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ta phải bảo đảm cho một chiến dịch bao vây lấn chiếm công kích quy mô vào một tập đoàn cứ điểm lớn.

Chiến dịch kéo dài, mặt trận cách xa các bệnh viện trực thuộc Cục Quân y ở hậu phương, nhiệm vụ quân y phải bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và cả dân công, tạo điều kiện bổ sung quân số chiến đấu cho đơn vị ngay tại mặt trận, do đó quân y đã luôn sát cánh trên mọi chiến trường và có nhiều sáng tạo để phục hồi sức khỏe nhanh cho các chiến sĩ.

Ông vẫn nhớ thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi anh chị em cán bộ, nhân viên quân y, dân công, hộ lý, cấp dưỡng phục vụ thương binh vào ngày 8/4/1954 đã viết: "... Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử quy mô to lớn hơn các chiến dịch trước. Do đó, công tác thương binh cũng đòi hỏi một sự cố gắng mới về tổ chức cũng như về tinh thần phục vụ... Từ nay đến lúc tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ, chúng ta còn phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ. Các đồng chí cần tiếp tục nâng cao tinh thần dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ cứu chữa anh em thương binh cho chu đáo". Những lời động viên của vị tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp như lời thúc giục, mệnh lệnh trái tim để những người lính vượt lên tất cả gian khó, đau thương và mất mát, hoàn thành nhiệm vụ nơi bom rơi lửa đạn.

o-loi-3.jpg
Vị y sĩ quân y sống tại quê nhà cùng con cháu, 70 năm qua đã lấy đi của ông tuổi trẻ nhưng ký ức về một Điện Biên mãi trong tâm trí ông. Ông như hiện hữu những ký ức hào hùng của đồng đào, quân dân ta 70 năm trước

Ông Lợi chia sẻ “vào mặt trận ngoài mưa bom bãi đạn thì hình ảnh chiến sĩ chúng ta hi sinh, bị thương thực sự xót xa lắm, đến giờ tôi hãy còn nhớ như in từng lời nói cuối cùng, những cử chỉ, những thương binh vết thương xu xì do vết máu khô lại, người mất cả chân cả tay, người vẫn nửa tỉnh nửa mê mà tinh thần vẫn hô “xông lên, đánh, đánh….”. Rồi có thương binh bị bom đạn lấy đi đôi mắt vẫn đòi bác sĩ đưa ra chiến trường làm giá súng cho đồng đội,….. tất cả những điều đó, những y bác sĩ chúng tôi đều “chôn” lại cảm xúc, nỗi đau để cứu được những đồng đội của mình.

Kể đến đây, người chiến sĩ quân y khoé mắt dường như đọng lại những cảm xúc khó mà diễn tả hết. Giọng nói ông như siết chặt lại bởi những chiến sĩ ấy họ coi những cái chết hóa thành tượng đài vĩ đại, mưa bom bão đạn không nao núng mà chỉ sợ không cứu được nhiều thương binh.

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, 6 đội điều trị trực thuộc Cục Quân y và 4 đội điều trị của các đại đoàn chủ lực đã căng mình hết sức phục vụ cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh; hàng nghìn thương binh, bệnh binh nhẹ được điều trị khỏi trong vòng từ 7 - 10 ngày, trở lại đơn vị tiếp tục xung trận, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận.

Đúng 17h30’ ngày 7/5/1954 là thời khắc thiêng liêng nhất khi lá cờ chiến thắng của quân ta ngạo nghễ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, kết thúc gần 1 thế kỷ Pháp xâm lược nước ta. Lực lượng quân y “đi trước về sau”, khi bộ đội rút hết khỏi chiến trường Điện Biên, các y, bác sĩ vẫn phải tiếp tục cứu chữa và chăm sóc thương binh, cùng lực lượng vận tải và dân công hỏa tuyến đưa thương binh về các bệnh viện hậu phương ở Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, Thanh Hóa điều trị.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên toàn đơn vị quân y và ông Lợi được Bác Hồ khen thưởng và trao tặng “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên”. Đó là niềm tự hào, nguồn động lực to lớn để người chiến sĩ quân y bước tiếp chặng đường cách mạng đầy gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang.

o-loi.jpg
Ông Đàm Quang Lợi đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ dân tộc, tham gia chiến sự biên giới năm 1979, ông được ghi nhận với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Chiến thắng hạng II, 2 Huân chương kháng chiến hạng Nhì chống Pháp, chống Mỹ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đi qua 70 năm nhưng hào khí Điện Biên vẫn vẹn nguyên trong trái tim những người lính. Câu chuyện của ông Lợi và những chiến sĩ Điện Biên năm xưa về những tháng năm lịch sử, “cả nước cùng nhau ra trận” là một bản hùng ca đẹp, tiếp sức cho thế hệ hôm nay phát huy hào khí Điện Biên trong chặng đường đổi mới và hội nhập, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng đã đóng góp nhiều sức người sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Bổ sung cho bộ đội chủ lực 844 cán bộ, chiến sĩ; có 1.034 người đi dân công phục vụ chiến dịch dài ngày; đóng góp gần 2.000 tấn thóc, tu sửa 800 cầu cống phục vụ chiến dịch; huy động nhiều loại phương tiện vận chuyển hàng phục vụ chiến trường, trong đó 228 xe đạp, 120 xe ngựa, 140 ngựa thồ vận chuyển 1.200 tấn thóc về Bắc Kạn phục vụ chiến dịch…

Năm 2024, dánh sách chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến tỉnh Cao Bằng còn sống là 24 người. Họ là nhân chứng lịch sử ghi lại những thước phim hào hùng của quân và dân ta 70 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rạng ngời chiến sĩ Điện Biên nơi cội nguồn cách mạng