Thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có thể làm thay đổi nhiều vấn đề của Tòa án nói riêng và tố tụng tư pháp nói chung. Xu hướng Tòa án thông minh đã khá phổ biến trên thế giới, vì thế, Việt Nam cần đặt ra vấn đề này sao cho hiệu quả.
Định hướng về Tòa án điện tử trong cải cách tư pháp
Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.
Thực hiện Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp (CCTP), các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế. Hiến pháp 2013 và 70 đạo luật liên quan đến hoạt động tư pháp, quyền con người, công dân được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Lần đầu tiên Hiến pháp quy định 9 quyền và nguyên tắc tư pháp. Đó là: Quyền được suy đoán vô tội; quyền được xét xử công bằng; xét xử công khai; xét xử kịp thời trong thời hạn luật định; bảo đảm quyền bào chữa; xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu xảy ra oan sai (không phải quốc gia nào cũng có quy định về nguyên tắc này; đặc biệt là Tòa án phải bồi thường); trách nhiệm cung cấp chứng cứ, chứng minh trong dân sự thuộc về đương sự; kiểm soát quyền lực.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các Bộ luật về tố tụng được ban hành đã có nhiều đổi mới theo hướng đề cao quyền con người, quyền công dân, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tư pháp. Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nhiều quy định về đổi mới phiên tòa đã được ban hành và thực hiện. Năm 2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều nghị quyết về mô hình xét xử mới được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là bước tiến dân chủ, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng. Kết quả rõ nét nữa mà chúng ta đã đạt được phải kể đến là cơ sở vật chất được đảm bảo, ngày càng khang trang hơn, tốt hơn; công nghệ thông tin từng bước hoàn thiện và phát triển. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, tiềm lực kinh tế thiếu nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực cần thiết cho phát triển tư pháp.
Ông Chu Cường, Chánh án TANDTC Trung Quốc chia sẻ về cải cách thể chế tư pháp Tòa án và xây dựng Tòa án thông minh ở Trung Quốc
Tuy nhiên, những bất cập của chúng ta hiện nay rất dễ nhận thấy, đó là nền tư pháp còn lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới (xu hướng Tòa án thông minh đã khá phổ biến trên thế giới); mong muốn của người dân nhiều nhưng chưa đáp ứng được (chưa thuận tiện, còn tốn kém); hạn chế của người dân tham gia vào tiến trình tư pháp; niềm tin vào tư pháp chưa cao; nhiều tồn tại trong thi hành án tử hình, giám định tư pháp, chống tham nhũng; mâu thuẫn về chế độ chính sách, điều kiện bảo đảm, áp lực công việc và biên chế.
Về định hướng cải cách tư pháp năm 2021-2030, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã nhận định, cải cách tư pháp là xu thế, liên tục, phổ biến ở rất nhiều quốc gia, Việt Nam cũng nằm trong xu thế tất yếu đó. Nếu đặt phép so sánh thấy rằng ở các nước khác, Thẩm phán là tầng lớp cao quý, người dân không nghi ngờ quyết định của Thẩm phán, không cần kiểm soát sự liêm chính của Thẩm phán. Quyết định của Thẩm phán ban hành được coi là chân lý.
Do vậy, cải cách tư pháp cần đẩy mạnh để đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới, đó là nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin đặt ra mục tiêu năm 2023 hoàn tất xây dựng Tòa án điện tử. Cùng với đó phải tiếp tục đổi mới để hội nhập quốc tế. Các tranh chấp quốc tế xuyên biên giới ngày càng gia tăng, nếu chúng ta không cải cách, không đổi mới sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Trong cuộc hội thảo diễn ra mới đây, chuyên đề về CMCN 4.0, các chuyên gia pháp lý đã đề cập đến các yếu tố đa chiều có tầm ảnh hướng đến hoạt động tư pháp và phòng chống tội phạm, trong đó có điểm nhấn quan trọng về Tòa án điện tử trong tương lai. Với sự phát triển nhanh về công nghệ, đi kèm là những rủi ro và tội phạm gia tăng, hoạt động của Tòa án phải đổi thay như một sự tất yếu để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC là người đi tiên phong trong nghiên cứu đề tài “Yêu cầu và triển vọng ứng dụng công nghệ 4.0 thúc đẩy hiệu lực và hiệu quả của hoạt động tố tụng tại Tòa án” cũng đã nêu lên bức tranh với những triển vọng về một Tòa án điện tử trong tương lai gần.
Hoạt động của Tòa án, xu hướng đơn giản hóa thủ tục tố tụng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của Tòa án đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Với việc áp dụng hệ thống nộp đơn qua mạng, tất cả các tài liệu sẽ được nộp bằng bản mềm và nhập vào hệ thống máy chủ của Tòa án mà không cần phải in ra. Nhiều Tòa án của một số nước đã xây dựng nhiều phòng xử mới để ứng dụng những tiến bộ của CNTT. Những phòng xử án như vậy có thể được sử dụng để xét xử trực tuyến khi có kết nối internet với mạng nội bộ.
Sẽ có nhiều thay đổi
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, trong hoạt động của Tòa án, xu hướng đơn giản hóa thủ tục tố tụng và ứng dụng CNTT đang được các nước áp dụng hiệu quả. Việc ứng dụng CNTT trong tố tụng cũng đã được ghi nhận trong các Bộ luật về tố tụng. Theo đó, ghi nhận việc gửi, nhận đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo bằng phương tiện điện tử; việc cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bên cạnh các phương thức tống đạt trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính thì bổ sung phương thức tống đạt bằng thư điện tử. Quy định các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đây là quy định mới nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường áp dụng CNTT trong hoạt động tư pháp; đồng thời cũng là nền tảng để xây dựng Tòa án điện tử và hướng tới xây dựng Tòa án thông minh trong tương lai.
Tuy nhiên, để triển khai chủ trương trên một cách hiệu quả, thời gian tới chúng ta cần có định hướng sửa đổi pháp luật ở góc độ như: Có văn bản hướng dẫn việc gửi đơn kiện trực tuyến để đương sự biết phải làm gì. Hướng dẫn này nên thống nhất trên cả nước và cần có những nội dung tối thiểu mà đương sự cần điền thông tin khi gửi đơn khởi kiện… hoặc hướng dẫn gửi tài liệu từ Tòa án cho các chủ thể liên quan đến vụ việc.
Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thành tựu CMCN 4.0 có thể làm thay đổi nhiều vấn đề của Tòa án nói riêng và tố tụng tư pháp nói chung. Đối với lĩnh vực dân sự, đương sự vẫn có thể tham gia phiên xét xử mà không cần có mặt tại phòng xét xử thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến. Với giải pháp này, khả năng phải hoãn phiên xử do một bên không thể có mặt tại phòng xét xử sẽ giảm, chi phí cho đương sự sẽ giảm vì họ sẽ vẫn được tham gia phiên xét xử mà không phải mất thời gian di chuyển đến địa điểm xét xử. Cơ quan Tòa án cũng tiết kiệm được khoản chi phí tiếp đón đương sự tại địa điểm xét xử. Riêng đối với xét xử các vụ án hình sự, trong trại giam sẽ phải có một phòng được xây dựng, bố trí giống phòng xét xử tại Tòa án và cũng được trang bị đầy đủ các phương tiện điện tử cần thiết đảm bảo cho phiên tòa trực tuyến diễn ra.
Đến thời điểm hiện nay, pháp luật tố tụng Việt Nam chưa quy định về xét xử trực tuyến như trên. Vì vậy, hướng hoàn thiện pháp luật cần tính đến để đáp ứng các yêu cầu đặt ra của cuộc CMCN 4.0 trong tố tụng tư pháp…Để khai thác thành tựu CMCN 4.0 mà chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính theo hướng cho phép xét xử trực tuyến, một số thành phần tham gia tố tụng có thể tham dự phiên tòa thông qua hình thức trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp tại Tòa. Với thành tựu của CMCN 4.0, việc xây dựng Tòa án điện tử sẽ được đề cập tới nhiều. Hướng tạo lập Tòa án điện tử sẽ giúp giải quyết nhanh chóng các vụ án nhỏ, không phức tạp. Đó là hướng mà chúng ta nên tính tới trong tương lai với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số.
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động đến Nhà nước, người dân và chúng ta sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề. Đối với Tòa án không thể hoạt động điều hành như trước mà là Tòa án mở, Tòa án hội nhập. Vì vậy để kịp thích ứng với CMCN 4.0, trong thời gian tới, Tòa án Việt Nam phải tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của Tòa án, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành; đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; đơn giản hóa thủ tục, quy trình tố tụng tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân cũng như Tòa án.