Tòa án địa phương

Hòa giải đối thoại tại Tòa án: Giải pháp hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng 14/09/2023 - 14:47

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Đây là chính sách đúng đắn, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đánh dấu bước tiến mới về quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật HGĐTTTA, TAND tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo thi hành Luật HGĐTTTA do một đồng chí Phó Chánh án TAND tỉnh làm Trưởng ban; thành viên là các đồng chí Chánh án TAND cấp huyện.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương giới thiệu cán bộ, công chức đã nghỉ hưu để xem xét, tuyển chọn làm Hòa giải viên; Tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTTA.

TAND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Báo Công lý, Đài PTTH tỉnh Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng… các cơ quan hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTA và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, để người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại, nhằm đưa Luật HGĐTTTA thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội.

anh-1(2).png
Quang cảnh một buổi hòa giải tại TAND tỉnh Sóc Trăng.

TAND tỉnh đã chỉ đạo các TAND huyện trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phải chú trọng tuyên truyền Luật HGĐTTTA cho người khởi kiện, người yêu cầu biết, đây là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất, khi các bên hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại cho họ thì họ sẽ lựa chọn cơ chế này và sự tin tưởng của các bên giúp cho quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại trở nên nhanh chóng, thuận lợi do các bên thiện chí và hợp tác tích cực, góp phần vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại.

TAND tỉnh thường xuyên mở các hội nghị trao đổi, tọa đàm nghiệp vụ để tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thư ký, Hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật, đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với các TAND cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện Luật HGĐTTTA để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như đảm bảo tiến độ công tác triển khai thi hành Luật HGĐTTTA được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Định kỳ 6 tháng 1 lần, TAND tỉnh tổ chức sơ kết để đánh giá, biểu dương, khen thưởng cũng như đề nghị khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, Thẩm phán, Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật HGĐTTTA và đồng thời có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại.

Với các giải pháp nêu trên mà trong thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện có hiệu quả Luật HGĐTTTA. Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/5/2023, tổng số đơn khởi kiện TAND hai cấp nhận được là 16.514 đơn các loại; tổng số vụ, việc Tòa án chuyển qua hòa giải viên để hòa giải, đối thoại là 6.383 vụ, việc; hòa giải viên tổ chức hòa giải, đối thoại được 5.065 vụ, việc và đã hòa giải, đối thoại thành (bao gồm đương sự rút đơn) được 3.615 vụ, việc, đạt tỷ lệ là 71,37% và Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành đạt 100%.

Có thể nói, việc thực hiện tốt Luật HGĐTTTA trong thời gian qua ở TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã góp phần hàn gắn các quan hệ xã hội bị rạn nứt, khôi phục, củng cố tình cảm gia đình, làng xóm, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm có thể phát sinh từ mâu thuẫn, tranh chấp, thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng bền vững và đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, đó là “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa giải đối thoại tại Tòa án: Giải pháp hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp