Tòa án địa phương

Xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp

Thành Nhớ - Xuân Phương 11/02/2024 08:30

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

anh-1.jpg
Phiên tòa xét xử trực tuyến của TAND tỉnh Bạc Liêu

Thực tiễn xét xử cho thấy, tại phiên tòa trực tuyến, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Mọi hoạt động như: xem xét chứng cứ, tài liệu, xét hỏi, tranh luận... đều được thực hiện trực tuyến qua thiết bị kết nối mạng và phần mềm cần thiết để thực hiện công tác xét xử. Người tham gia xét xử trực tuyến có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng.

Công tác phối hợp với VKSND và cơ quan công an trong việc thực hành quyền công tố và bảo vệ phiên tòa cũng được đặc biệt chú trọng.

Đặc biệt, phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp cho Tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa vì lý do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan.

Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến còn bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ việc, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.

Năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thành công 35 phiên tòa trực tuyến, trong đó TAND cấp tỉnh tổ chức 6 phiên, TAND cấp huyện tổ chức 29 phiên.

Qua thực tế triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án.

Cụ thể, việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí ra tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ, tạo thuận lợi cho lực lượng hỗ trợ tư pháp vì không phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến Tòa án, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra trên đường di chuyển.

Bên cạnh đó, các phiên tòa xét xử trực tuyến không phải trích xuất bị cáo từ nơi giam giữ đến địa điểm tham gia phiên tòa giúp tiết kiệm được chi phí, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa, bảo đảm thời gian xét xử.

anh-2.jpg
Ông Đặng Quốc Khởi, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu

Ông Đặng Quốc Khởi, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết, sự ra đời Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tạo cơ sở pháp lý để Tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử.

Việc xét xử trực tuyến đã giúp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết rất nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử do không triệu tập được đầy đủ người tham gia tố tụng đến phiên tòa; tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho đương sự khi phải trực tiếp đến Tòa án tham dự phiên tòa.

Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí đầu tư để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là kinh phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống đường truyền; hệ thống thiết bị ghi hình có âm thanh.

“Trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục chủ động, khắc phục khó khăn nâng cấp về cơ sở vật chất, tổ chức rút kinh nghiệm cho các thành viên tham gia Hội đồng xét xử theo hình thức trực tuyến.

Xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành tiếp tục đưa ra xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến đạt và vượt chỉ tiêu được TAND cấp trên giao; từng bước tiến tới xây dựng tiến hành ký kết quy chế phối hợp công tác xét xử trực tuyến với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của Tòa án, đảm bảo từng bước chuyên nghiệp, hiện đại; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương”, Chánh án Đặng Quốc Khởi chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp