Chờ đến bao giờ?

Trung Nguyễn| 05/04/2018 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ trong giai đoạn 2016-2020 cần phải “thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...".

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đã tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện để có được thành tựu lớn là hàng triệu hộ gia đình chính sách xã hội đã được hỗ trợ, có chỗ ở ổn định để thông qua đó, thực hiện tốt chính sách với người có công với cách mạng; hộ nghèo ở đô thị, nông thôn, vùng thiên tai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được trong thời gian qua thì việc thực hiện các chủ trương, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Trong đó, nguyên nhân chính là chưa huy động được nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực nhà nước để chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội.

Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội là của nhà nước, xã hội và người dân. Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; khuyến khích hình thành một số định chế như: Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản,... để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, hợp tác xã tín dụng,...; chỉ đạo, đôn đốc các Ngân hàng thương mại được chỉ định thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, khẩn trương lập kế hoạch cụ thể vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngân hàng Chính sách xã hội lập kế hoạch cụ thể vốn cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương…

Như vậy, mặc dù các văn bản pháp luật về hỗ trợ vốn cho nhà ở xã hội đã có, nhưng việc thực thi còn khá chậm chạp. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội gặp khó khăn còn người mua nhà thì vẫn phải chờ đợi nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách. Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan phải vào cuộc tích cực hơn, trách nhiệm hơn để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ đến bao giờ?