Gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 125.000 tỷ đồng sau 1 năm triển khai mới giải ngân chưa tới 1%.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà Nước cho biết gói 125.000 tỷ mới giải ngân được 415 tỷ đồng, tức chưa tới 1% với 6 dự án. Số tiền các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho người mua nhà cũng chỉ hơn 540 triệu đồng tại hai dự án.
Các chuyên gia lo ngại, điều này khiến thực trạng khủng hoảng phân khúc, thiếu nhà vừa túi tiền, thừa nhà cao cấp thêm trầm trọng.
Nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chậm, theo Ngân hàng Nhà nước, do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Cụ thể, người mua, thuê nhà ở xã hội phải chịu lãi suất khá cao 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm, các mức lãi suất này được điều chỉnh mỗi 6 tháng/lần và sau thời hạn ưu đãi lãi suất thì áp dụng lãi suất thỏa thuận, “thả nổi”.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư lớn thời gian qua chỉ tập trung xây khu đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không quan tâm đầu tư nhà xã hội, khiến nguồn cung thiếu hụt.
Nguồn cung nhà ở xã hội hết sức hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.
Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc chậm giải ngân gói 125.000 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành gần 38.000 căn, đạt gần 9% kế hoạch.
Do đó, để có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, ngoài tháo gỡ chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất cho vay tại gói tín dụng 125.000 tỷ đồng.
Cùng đó, cơ quan này được yêu cầu chỉ đạo các nhà băng nghiên cứu một gói tín dụng mới cho người mua với thời gian 10-15 năm, lãi suất thấp hơn 3-5% so với vay thương mại.