Thời gian qua, TAND huyện Đông Hải (Bạc Liêu), đã không ngừng phấn đấu, cải cách và thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác xét xử, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp.
Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo TAND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương; cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu của từng công chức, người lao động trong đơn vị, nên các mặt công tác của TAND huyện Đông Hải có nhiều chuyển biến tích cực.
Năm 2024, TAND huyện Đông Hải đã thụ lý 1.458 vụ, việc các loại. Trong đó, đã giải quyết 1.372 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,1. So với cùng kỳ năm 2023, án thụ lý tăng 139 vụ , án giải quyết tăng 150 vụ, mỗi Thẩm phán giải quyết vượt 3.7 vụ/01 tháng
Về chất lượng xét xử đảm bảo 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định, các bản án, quyết định đảm bảo rõ ràng, dễ thi hành. Việc ban hành quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn; án hủy, sửa do lỗi chủ quan là 4.5 vụ/1.372 vụ, chiếm tỷ lệ 0.33% không vượt quá quy định.
Đối với án dân sự, năm qua, TAND huyện Đông Hải thụ lý 1.277 vụ, đã giải quyết 1.191 vụ, đạt tỷ lệ 93,2%. Vượt chỉ tiêu thi đua 8,2%. Trong đó có 848 vụ hòa giải thành, đối thoại thành chiếm tỷ lệ 71,1%.
Ngoài ra, lãnh đạo đơn quan tâm quán triệt đến Thẩm phán, khi giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, Thẩm phán đặc biệt chú trọng đến công tác hòa giải, đối thoại, nên tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành tương đối cao.
Việc hòa giải thành làm giảm bớt tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giữ vững trật tự trị an ở địa phương.
Trong năm 2024, TAND huyện Đông Hải tổ chức được 16 phiên tòa rút kinh nghiệm. Các phiên tòa rút kinh nghiệm tại đơn vị đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của TANDTC. Mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là dịp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án ngày một tốt hơn; xây dựng hình ảnh của đội ngũ công chức, Thẩm phán Tòa án trở thành vị trí trung tâm, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
TAND huyện Đông Hải đã tổ chức được 09 phiên tòa trực tuyến (08 phiên tòa hình sự; 01 phiên tòa dân sự). Mỗi phiên tòa có hai điểm cầu, điểm cầu trung tâm (Phòng xét xử tại trụ sở tòa án) và điểm cầu thành phần (Nhà tạm giữ và trụ sở Tòa án khác). Nhìn chung các phiên tòa diễn ra thuận lợi và đạt kết quả theo yêu cầu.
Ngoài ra, TAND huyện Đông Hải còn chú trọng trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Vì vậy, ngay đầu năm đơn vị có kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến, lựa chọn nhân tố cụ thể để bồi dưỡng, giúp đỡ. Tổ chức họp mặt trong những dịp sơ và tổng kết thi đua khen thưởng nhằm giúp cán bộ, công chức trong đơn vị trao đổi kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, tôn vinh đối với những tấm gương điển hình tiên tiến.
Chi bộ TAND huyện Đông Hải luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức; nhất là triển khai, kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ cấp trên, đồng thời xây dựng kế hoạch xác định chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để tổ chức thực hiện. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngoài công tác chính trị, chuyên môn, tập thể cán bộ công chức đơn vị còn tích cực trong công tác xã hội, hưởng ứng và đóng góp các quỹ xã hội như: hỗ trợ hộ nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đóng các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc màu da cam đi ô xin… với tổng số tiền 48.890.000 đồng.
Năm 2025, TAND huyện Đông Hải tiếp tục nâng cao chất lượng trong tổ chức, thực hiện phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, với mục tiêu trọng tâm là phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu công tác, giảm tối đa tỷ lệ án hủy, sửa do có lỗi, không để xảy ra tình trạng án quá hạn luật định, án tạm đình chỉ không đúng, đưa chỉ tiêu hòa giải thành, xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Đẩy mạnh việc đổi mới công tác hành chính tư pháp, bảo đảm đơn vị làm việc nề nếp, khoa học, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tiếp xúc với Tòa án, xây dựng đơn vị thật sự là biểu tượng công lý trong đời sống xã hội.
Mỗi cán bộ công chức của Tòa phải thực hiện tốt, có hiệu quả phần mềm quản lý, hỗ trợ của TAND vào công tác; đóng góp, xây dựng các phần mềm là công cụ hỗ trợ tích cực vào hoạt động.
Tập trung hơn cho công tác trao đổi nghiệp vụ, tương tác trên phần mềm trợ lý ảo, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn từ đồng nghiệp, chuyên gia pháp lý.
Chú trọng xây dựng Kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và tạo điều kiện giúp đỡ để các điển hình được tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong đơn vị và hệ thống TAND.
Tập trung hơn trong công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, bình xét khen thưởng để việc bình xét đi vào thực chất, đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch đúng người, đúng việc, đúng thành tích theo quy định của pháp luật.