Tin địa phương

Thanh Hoá: Tìm lời giải cho vướng mắc triển khai nhà ở xã hội

Thanh Phương 27/02/2024 - 17:29

Với một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế đáng ngưỡng mộ 2 con số, Thanh Hóa đang từng bước trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực. Chính vì vậy, nhu cầu nhà ở của các kỹ sư, thợ bậc cao, công nhân là rất lớn. Thế nhưng việc triển khai đầu tư xây dựng một số dự án còn chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phát triển nhà ở xã hội là bức thiết!

Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thanh Hóa xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.

chungth(1).jpg
Phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết

“Đất lành, chim đậu”, chỉ khi giữ chân được nhà đầu tư thì mới có lao động lành nghề, công nhân bậc cao, kỹ sư, chuyên gia… vào định cư. Thanh Hoá đặt ra mục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Từ đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu về nhà ở của người dân. Đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

phoicanh.jpg
Sở hữu căn nhà xã hội là ước mơ của rất nhiều người

Đến năm 2030, Thanh Hoá phấn đấu hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 6.287 căn; giai đoạn 2026-2030 hoàn thành khoảng 7.500 căn.

Trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành 13 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang triển khai đầu tư xây dựng; đồng thời triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với 14 dự án và các dự án nhà ở xã hội được đưa vào danh mục kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt, các dự án nhà ở công nhân thuộc thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp; các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong nhà ở thương mại.

Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành 14 dự án và các dự án nhà ở xã hội khác, được chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc danh mục kế hoạch phát triển nhà ở xã hội được phê duyệt, các dự án nhà ở công nhân thuộc thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp; các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại đã được lựa chọn chủ đầu tư.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Có mục tiêu, lộ trình cụ thể nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản khiến nhà đầu tư, người dân không mặn mà với nhà ở xã hội. Theo báo cáo, tới hết năm 2023, Thanh Hóa chỉ hoàn thành khoảng 1.817/13.787 căn hộ, khó đạt mục tiêu đề ra.

chungcu.jpg
Cơ chế chính sách chưa đồng bộ khiến các nhà đầu tư không mặm mà

Những vướng mắc được chỉ ra như do quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quỹ đất đã có hạ tầng kỹ thuật thuận lợi cho việc triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động được ngay đối với dự án nhà ở xã hội không nhiều.

Các chính sách ưu đãi về đầu tư như tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, một phần kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong dự án, hỗ trợ vốn vay… đều có quy định khá chặt chẽ. Đơn vị chủ đầu tư khó tiếp cận được gói hỗ trợ hoặc nguồn vốn huy động khác.

giacmo.jpg
Người lao động, công nhân cần có nơi nghỉ nghơi để tái tạo sức lao động

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, đơn hàng giảm, sức tiêu thụ kém, yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe dẫn tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư hụt hơi về tài chính. Do vậy, họ khó quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Có doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lại vướng quy trình thủ tục về lựa chọn chủ đầu tư. Hiện nay, để triển khai thực hiện Đề án cũng xuất hiện thêm một số khó khăn như tình hình thị trường bất động sản nói chung trầm lắng cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của các dự án nhà ở xã hội.

Để giải bài toán này, Thanh Hóa đã cân đối, bố trí ngân sách để khuyến khích, ưu đãi theo quy định nhằm thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, đầy đủ hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Những dự án đang triển khai thì đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...

Một trong những yếu tố tác động mạnh tới sự phát triển của nhà ở xã hội là do nguồn thu nhập của người lao động không ổn định. Mức lương hiện tại mới đảm bảo cơ bản đời sống gia đình, chưa có nhiều tích lũy và các biến động khác của cuộc sống. Trong năm 2023, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, lương, thưởng dẫn tới thu nhập ngày một ít.

Chính vì vậy mà nhu cầu thì bức thiết nhưng nguồn tài chính có hạn dẫn tới người lao động, công nhân đang còn đắn đo suy nghĩ. Cơ quan quản lý cần có lời giải để tăng thu nhập cho người lao động, “bốc thuốc” trị tâm lí lo ngại khi nhà ở xã hội là “tiêu sản”, giảm thủ tục, có chính sách ưu đãi phù hợp, dễ tiếp cận thì các chủ đầu tư mới tích cực triển khai dự án mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hoá: Tìm lời giải cho vướng mắc triển khai nhà ở xã hội