Nhu cầu sử dụng điện của cả nước năm 2024 được dự báo tăng trưởng khoảng 9,6%. Tuy nhiên, thực tế các tháng đầu năm nay, nhu cầu sử dụng điện của cả nước và miền Bắc tăng 10 - 11%, tức là cao hơn so với dự báo.
Nguyên nhân do sản xuất, kinh doanh đang phục hồi và nắng nóng kéo dài ở các tỉnh miền Nam. Đặc biệt, trong mùa khô sắp tới (tháng 5 đến tháng 7), nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa, lên đến 13%; riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023 và phụ tải tháng 6 có thể đạt khoảng 2.500MW.
Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm.
Để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô, ngay từ tháng 11/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024; xây dựng các phương án phân phối điện; kịch bản cân đối sản lượng điện; cân bằng công suất các nhà máy điện; thực hiện các giải pháp về vận hành các nhà máy điện; thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện.
Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024; biểu đồ cấp than cho phát điện; kế hoạch cấp khí cho phát điện; đặc biệt, phê duyệt riêng kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2024.
Cùng với đó, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện; tổ chức các đoàn công tác rà soát việc chuẩn bị cung ứng điện mùa khô tại các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; thúc đẩy tiến độ công trình đường dây 500 kV Quảng Trạch – Phố Nối để kịp phục vụ cung ứng điện vào tháng cao điểm. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẳng định, việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được bảo đảm.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tăng lên, đây là điều đáng mừng vì vừa cho thấy kinh tế - xã hội phát triển, vừa góp phần cho tăng trưởng.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp cho thấy nguồn điện cơ bản không thiếu, nhiên liệu được đáp ứng; song cần điều hành phù hợp, thông minh, thông suốt, hiệu quả với giải pháp tổng thể, đa dạng hóa nguồn điện, khẩn trương hoàn thành các đường dây tải điện, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan.
Với mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành, Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất; phát huy trách nhiệm cao nhất, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh trước khó khăn, thách thức; dự báo, đánh giá sát tình hình và khả năng đáp ứng, rà soát lại các số liệu bảo đảm chính xác; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hợp lý, kịp thời, hiệu quả. Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện,
Như vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động hơn của các đơn vị liên quan và những bài học kinh nghiệm rút ra từ sau sự cố thiếu điện năm 2023, cung ứng điện năm nay nhiều khả năng sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, để củng cố khả năng này, rất cần doanh nghiệp và người dân chung tay tiết kiệm điện,
Với người dân, trong những tháng cao điểm, cần sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý, bởi thiết bị này chiếm tới 50 - 70% tổng nhu cầu điện năng sử dụng trong hộ gia đình. Về phía các doanh nghiệp có thể tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) do ngành điện triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.