Vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần (từ cuối tháng 3 đến tháng 4/2025), TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM tổ chức kể chuyện về Bác Hồ với hình thức được đổi mới, gắn với công tác triển khai chuyển đổi số của đơn vị.
Với chuyên đề "Ứng dụng AI trong công tác tố tụng" do Thẩm phán Nguyễn Gia Nam, TAND huyện Bình Chánh trình bày.
Chương trình bao gồm các chuyên đề theo từng tuần. Cụ thể: Tuần 1 (24/3) giới thiệu AI hỗ trợ soạn thảo biên bản tố tụng như biên bản đối chất, lấy lời khai, hòa giải, công khai chứng cứ và phiên tòa.
Tuần 2 (31/3) trình bày ứng dụng AI trong thụ lý vụ án, xử lý đơn, thông báo thụ lý.
Tuần 3 (14/4) tập trung vào AI hỗ trợ thu thập chứng cứ, định hướng giải quyết hồ sơ.
Tuần 4 (21/4) đề cập đến AI tham vấn soạn thảo bản án dựa trên dữ liệu mã hóa.
Tuần 5 (28/4) hướng đến ứng dụng chữ ký điện tử, mã QR và bảo mật dữ liệu tố tụng.
Việc áp dụng AI trong công tác tố tụng góp phần nâng cao năng suất, chuẩn hóa quy trình của đơn vị. Trong đó, vấn đề bảo mật dữ liệu rất quan trọng do hồ sơ tố tụng chứa thông tin nhạy cảm, đòi hỏi giải pháp mã hóa và bảo vệ chặt chẽ.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng AI trong xét xử, chi phí triển khai cần có hướng dẫn chính thức. Ngoài ra, thay đổi thói quen làm việc cũng là một thách thức khi cán bộ Tòa án vẫn chưa thích nghi với phương thức làm việc mới, giảm phụ thuộc vào quy trình truyền thống.
Chánh án TAND huyện Bình Chánh Vũ Thanh Lâm cho biết: "Việc linh hoạt hình thức kể chuyện dưới cờ không chỉ giúp cán bộ, công chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng".
Trong thời gian tới, TAND huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện mô hình ứng dụng AI, đồng thời đề xuất cơ chế hỗ trợ từ cấp trên nhằm đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu bảo mật, pháp lý trong hoạt động tố tụng.