Thanh Hóa: Khi cần thiết phải bảo vệ đê bằng mọi giá

Thanh Phương| 13/10/2017 20:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nước mưa đổ xuống cộng với nước thượng nguồn đổ về khiến nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng chờ vỡ. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương phải bảo vệ đê bằng mọi giá.

Thanh Hóa: Khi cần thiết phải bảo vệ đê bằng mọi giá

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền (mặc áo phao) chỉ đạo xử lý đê Cầu Chày

Trên mạng xã hội đang lan truyền clip chiếc máy múc trị giá hàng trăm triệu đồng bị dìm xuống dòng nước lũ để cứu đê tại huyện Thọ Xuân. Người chỉ đạo trực tiếp việc dìm máy múc này là Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền. Trao đổi với PV vào chiều 13/10, ông Quyền cho biết: “Trong nhiều năm qua, Thanh Hóa chưa khi nào phải hứng chịu đợt mưa với lưu lượng lớn như vậy trút xuống. Đê sông Cầu Chày phía thượng lưu làm đã lâu có khả nặng chịu đựng rất kém. Tối 11/10 huyện Thọ Xuân báo cáo đã huy động cả trăm người ra xử lý chống tràn đê Thọ Thắng. Tuyến đê Xuân Minh khả năng không trụ được lâu. 3h30 ngày 12/10 Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện báo cáo xảy ra sự cố đê tại cống bơm Quang Hoa. Tôi cùng anh em tức tốc gọi xe quay lên Thọ Xuân. Trên xe tôi đã chỉ đạo điều ngay 1 tàu sắt thường ngày chở cát, chất đầy đá vào tàu, chuyển ra vị trí đê gặp sự cố rồi đánh đắm. Tuy nhiên, trên sông Cầu Chày không có tàu sắt. Phương án này coi như thất bại.”

Thanh Hóa: Khi cần thiết phải bảo vệ đê bằng mọi giá

Chiếc máy múc được lao xuống chặn dòng nước xiết

“Khi tôi lên tới nơi khoảng 5h sáng, hàng trăm người đang tức tốc bảo vệ đê nhưng nước chảy xiết, độ chênh lệch giữa nước sông và bên trong đồng phải tới 5m. Bao nhiêu đất đá, rọ sắt, cả những bụi tre lớn đều bị dòng nước nuốt chửng. Tình thế vô cùng cấp bách, nước tràn vào rất nhanh nguy cơ cả đoạn đê dài sẽ bị cốn phăng nếu như xử lý không kịp thời. Nếu đê vỡ hàng nghìn nhà dân của các xã thuộc Thọ Xuân, Thiệu Hóa sẽ chìm trong biển nước, thiệt hại vô cùng lớn. Anh em trong đoàn đề xuất cho xe tải lớn, chở đầy đá lao xuống chặn dòng lại. Xe tải của Công ty Miền Tây đã chuẩn bị sẵn sàng lao xuống. Nhưng nước xiết quá, sợ rằng chiếc xe tải cũng không thể chống đỡ được. Ngay lúc này có 2 chiếc máy múc gần đó, tôi đề nghị đưa 1 chiếc xuống vì nó có gầu cắm được xuống đất và có bánh xích sẽ không bị trôi. Trong tình huống khẩn cấp, để cứu đê, một chiếc máy múc loại lớn đã được thả xuống làm điểm tựa để đắp đất đá bảo hộ đê. Sau đó dùng các tấm chăn sắt dài và các rọ sắt bỏ đầy đá thả xuống mới chặn được nước lồng vào.”

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Để khắc phục các sự cố do lũ lụt gây ra, địa phương đã tổ chức huy động 224 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 923 (109 người), Tiểu đoàn 9 ( 100) người, Phòng Cảnh sát PCCC số 5 (15 người) kịp thời bổ sung lực lượng sẵn sàng công tác phòng chống thiên tai tại các trọng điểm thuộc xã Quảng Phú, Thọ Lập, Thọ Thắng, Thọ Trường và Xuân Sơn, Xuân Minh… Tại xã Xuân Thiên, tuyến kênh chính Nam (thuộc Dự án Kênh tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã) mực nước dâng cao đột ngột, dòng chảy mạnh, vỡ bờ kênh tại 2 đoạn (một đoạn khoảng 10m và một đoạn khoảng 20m). Nước lũ từ kênh chảy tràn ra đồng, làm ngập khoảng 40-50ha đất nông nghiệp, phần đất đỏ đắp bờ kênh tràn lên mặt các thửa ruộng phía sau đoạn sạt lở và gây cô lập các hộ thôn Đồng Cổ.

Thanh Hóa: Khi cần thiết phải bảo vệ đê bằng mọi giá

Đê Thọ Trường bị sạt trượt

Đê sông Cầu Chày vừa được gia cố thì sáng ngày 13/10, đoạn đê sông Chu chạy qua địa bàn xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân đã xuất hiện vết nứt cung sạt mới dài hơn 200m, từ km 17 đến km17+250, có độ sâu 1,5m, rộng 15cm.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, cấp ủy chính quyền xã Thọ Trường đã báo cáo với UBND huyện Thọ Xuân và huy động 1.500 người dân địa phương tiến hành gia cố bằng bạt nhằm khắc phục bước đầu để không cho nước ngấm vào thân đê qua vết nứt… Đến 13 giờ chiều đã cơ bản xử lý được vết nứt. Hiện nay, xã đã phân công cán bộ túc trực 24/24 để theo dõi và xử lý khi có tình huống xảy ra.

Với tình hình mực nước liên tục dâng cao, huyện Thọ Xuân đã báo cáo và xin ý kiến Chi cục đê điều tỉnh về biện pháp xử lý; tiếp tục chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện tại các xã trong cụm, kịp thời gia cố đê phía đồng bằng biện pháp đắp mở rộng thân đê từ 2-3m, với chiều dài 100m, khối lượng 500m3 (hoàn thành vào lúc 3 giờ ngày 11/10/2017). Theo đó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, thiết bị, máy móc, vật tư dự trữ để ứng phó với những diễn biến tiếp theo.

Thanh Hóa: Khi cần thiết phải bảo vệ đê bằng mọi giá

Nhiều địa phương vẫn ngập trong nước lũ

Từ ngày 11/10 đến nay, các cụm, xã đã phát hiện và đang tiếp tục xử lý các điểm sạt lở, sụt lún, dò, tràn tại các xã: Tuyến đê Sông Chu xã Thọ Hải sạt lở dài 100 m, các điểm vỡ đê Tiêu thủy đoạn Xuân Trường - Xuân Giang, cống Tiêu Thủy, chống tràn đê Hồ Cá xã Xuân Trường và thị trấn Thọ Xuân; xử lý xong cung sạt dài 15m sông Cầu Chày xã Xuân Tín, 30m xã Thọ Lập. Tiếp tục chỉ đạo xử lý các biện pháp kỹ thuật hộ đê chống tràn, sạt trượt tại những xã dọc theo các tuyến đê như: Đắp chống tràn trên 100m tại đê Bích Phương xã Xuân Sơn; mạch sủi đê Cầu Chày K21+50 xã Xuân Vinh; tiêu thoát lũ tại hồ Đồng Trường Sao Vàng và các trục tiêu lớn trên địa bàn như Đồng Ngâu, sông Dừa, Mau Lợi, Đồng Xốn…

Hiện nay, nước sông Chu, sông Cầu Chày đang xuống dần, cuộc sống của người dân dần trở lại dù công cuộc dọn dẹp, tái thiết phía trước còn gặp nhiều khó khăn. Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Trung ương đã cấp 50 tỷ đồng và nguồn ngân sách tỉnh để sớm triển khai dự án nâng cấp đê Cầu Chày đoạn qua huyện Thọ Xuân. Các tập thể, cá nhân có tinh thần, trách nhiệm trong việc xử lý sự cố đê Cầu Chày sẽ được khen thưởng kịp thời. Trên cơ sở tính toán cụ thể sẽ có hỗ trợ cho nhà thầu có máy múc lao xuống chặn dòng chảy.

Không chỉ huyện Thọ Xuân mà nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa như Thiệu Hóa, Nga Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia đã huy động hàng nghìn người, phương tiện, vật tư sẵn sàng cứu đê bằng mọi giá, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Khi cần thiết phải bảo vệ đê bằng mọi giá