Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn tới kiểm tra công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 tại Hải Dương.
Lứa học sinh lớp 1 “đặc biệt”
Theo đó, đoàn công tác đã đến trường Tiểu học Cộng Hoà (huyện Nam Sách, Hải Dương), đoàn dự giờ một tiết Tiếng Việt của học sinh lớp 2. Kiểm tra khả năng đọc của học sinh, đoàn lựa chọn một số ngữ liệu trong sách giáo khoa để một vài học sinh ngẫu nhiên đọc lớn.
Hầu hết, các em đều đọc trôi chảy những bài đã được học, có em còn đọc trơn tốt được văn bản chưa học tới. Học sinh tự tin chào hỏi bằng cả tiếng Việt, Tiếng Anh, giới thiệu về lớp/trường và tích cực tham gia các hoạt động học tập giáo viên đề ra.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy tiết Tiếng Việt lớp 2: “Học sinh rất mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập và tiếp thu nhanh”.
Được biết, cô Thu chuyển công tác về trường Tiểu học Cộng Hoà năm học 2021-2022, cũng là lần đầu tiên dạy học theo CT GDPT 2018, nhưng cô Thu thấy an tâm, phấn khởi khi tiếp nhận lứa học trò qua một năm học chương trình mới đã phát triển được nhiều phẩm chất, năng lực, thậm chí có năng lực vượt trội hơn học sinh các khoá trước.
Chương trình, sách giáo khoa mới thì xây dựng theo hướng mở, cho phép giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu, điều chỉnh tiến độ/kế hoạch bài dạy để phù hợp với học sinh, giúp cô Thu thuận lợi trong dạy học hơn và có nhiều cơ hội để quan tâm, dạy học theo từng đối tượng học trò.
Còn theo cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên môn Tự nhiên - Xã hội lớp 1 Trường Tiểu học Cộng Hòa cho biết, đầu năm các thầy cô khá vất vả để rèn nề nếp, dạy chương trình cho lứa học sinh 2 năm vì dịch Covid-19 nên không được học đầy đủ chương trình mầm non, nhiều em chưa quen với mặt chữ.
Đầu năm học, học sinh lại không được học trực tiếp mà chỉ làm quen môn Tiếng Việt qua bài giảng trên truyền hình. Từ 15/9, học sinh lớp 1 của Hải Dương mới được đến trường, nhưng chỉ học nửa buổi/ngày. Từ 01/11, các em mới học 2 buổi/ngày theo đúng yêu cầu của CT GDPT mới.
Dù bước đầu vất vả khi dạy lứa học sinh lớp 1 “đặc biệt” năm nay, nhưng nhìn lứa học sinh lớp 1 năm trước mình giảng dạy tự tin bước vào lớp 2 và giáo viên đón nhận với nhiều lời khen, cô Vân cùng đồng nghiệp dạy lớp 1 có thêm động lực để “vượt khó”, quyết tâm dạy học tốt CT GDPT mới.
“Học sinh lớp 1, lớp 2 rất mạnh dạn, tự tin, thích học, thích được đến trường. Một trong những lý do là chương trình, sách giáo khoa mới có nội dung kiến thức gần gũi với đời sống thực tế, có nhiều hoạt động giáo dục giúp khơi gợi hứng thú học tập cho các em”, cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Hoàng (huyện Gia Lộc) chia sẻ.
Đối với cấp THCS, theo đánh giá của nhiều Hiệu trưởng và Phòng GDĐT các huyện thì sau 9 tuần học chương trình mới, học sinh hoạt bát, tích cực học tập. “Chúng tôi nhìn thấy các em đã có nhiều tiết học hạnh phúc. Chương trình, sách giáo khoa mới giảm được tính hàn lâm, tăng tính thực hành, trải nghiệm, cộng thêm sự tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy học của giáo viên, các tiết học của học sinh trở nên gần gũi, thú vị hơn. Học sinh học xong có thể vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề liên quan trong thực tế cuộc sống”, cô giáo Lê Thị Bình, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) cho hay.
Việc chương trình mới giao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch bài giảng cho cơ sở giáo dục/giáo viên, được các cán bộ quản lý, giáo viên đánh giá là “chìa khoá” giúp “mở cửa” việc dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện đặc thù của nhà trường, học sinh. Đây cũng là tiền đề giúp thầy cô thuận lợi khi bất ngờ phải điều chỉnh hoạt động giáo dục để ứng phó với dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua.
Bên cạnh những thuận lợi, theo một số Phòng GDĐT và trường THCS của Hải Dương, việc thực hiện CT GDPT 2018 có một số khó khăn khi dạy học môn mới ở lớp 6, đặc biệt là môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Đây là nội dung đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo liên môn nhưng hầu hết thầy cô chỉ được đào tạo và giảng dạy đơn môn.
Do đó, các nhà trường phải bố trí nhiều giáo viên cùng tham gia dạy môn tích hợp này; đẩy thời lượng giảng dạy/tuần của thầy cô tăng lên; việc sắp xếp thời khoá biểu, giáo viên để dạy theo đúng thứ tự các chủ đề trong chương trình môn học cũng gặp bất cập. Không ít cơ sở giáo dục vì thế phải tổ chức dạy song song các chủ đề để “giảm sức người”.
“Tuy nhiên đến thời điểm này, những khó khăn của môn Khoa học tự nhiên đang dần được giải quyết”, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Dương Đỗ Duy Hưng cho biết.
Ông Hưng thông tin thêm, Sở GDĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn trực tuyến cấp tỉnh để giáo viên dạy lớp 6 năm học 2021-2022 các môn tích hợp mới tham gia. Phòng GDĐT các huyện/thị xã/thành phố cũng tích cực triển khai nhiều kế hoạch sinh hoạt chuyên môn liên trường, tạo điều kiện để giáo viên trao đổi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Từng nhà trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để giáo viên dạy tích hợp được chia sẻ, phản ánh vướng mắc, khó khăn và cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên là hai nhân tố “then chốt”
Sau khi kiểm tra, lắng nghe ý kiến của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục Hải Dương Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận ngành Giáo dục Hải Dương đã cố gắng, nghiêm túc, triển khai chặt chẽ, bài bản CT GDPT 2018, cũng như các nhiệm vụ của giáo dục phổ thông năm học 2021-2022.
Thứ trưởng cho biết, chương trình, sách giáo khoa mới, kể từ khi Nghị Quyết 88 ban hành, phải mất 6 năm chờ đợi mới có thể triển khai trong sự mong đợi, kỳ vọng của toàn xã hội.
Theo Thứ trưởng, trách nhiệm thực hiện tốt chương trình của đội ngũ cán bộ, giáo viên, những người làm giáo dục, do đó là rất lớn. Từng nhà giáo vì thế cần nâng cao nhận thức để nỗ lực đổi mới, phát triển bản thân, đóng góp cho sự thành công của chương trình và giúp học sinh được hưởng lợi.
Đổi mới trong điều kiện bình thường đã khó, thực hiện trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid-19 còn khó khăn hơn. Nhưng trong mọi trường hợp, dù dạy trực tuyến hay trực tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu phải “kiên trì mục tiêu chất lượng” để học sinh được học một cách tử tế.
Xác định cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên là hai nhân tố “then chốt” làm nên thành công của chương trình, Thứ trưởng đặc biệt yêu cầu ngành Giáo dục Hải Dương quan tâm phát triển đội ngũ.
Bộ GDĐT đã xây dựng 9 modul bồi dưỡng giáo viên thực hiện CT GDPT 2018 và tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý/giáo viên cốt cán các tỉnh thành. Từng địa phương, nhà trường phải phối hợp với trường sư phạm trọng điểm tiếp tục hỗ trợ đội ngũ đại trà tự bồi dưỡng và triển khai chương trình mới.
“Việc bồi dưỡng phải diễn ra thường xuyên, liên tục, trở thành nhu cầu tự thân của từng giáo viên/nhà trường, chứ không phải đào tạo một lần là xong. Phải làm sao để không thầy cô nào khi dạy chương trình mới bị bất ngờ dẫn đến lúng túng, vướng mắc”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Đồng thời yêu cầu, các nhà trường tiểu học, THCS, THPT sớm xây dựng danh sách giáo viên sẽ dạy các lớp thực hiện CT GDPT 2018 trong năm học tới, để thầy cô chuẩn bị tâm thế, nghiên cứu kỹ chương trình, sách giáo khoa và làm quen dần việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực…
Việc đổi mới công tác quản trị trường học, hình thành văn hoá chất lượng trong từng nhà trường, và tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới nhưng kiên quyết không để “thiết bị đến trường mà không ra lớp”, cũng là vấn đề được Thứ trưởng yêu cầu ngành Giáo dục Hải Dương thực hiện tốt trong thời gian tiếp theo.