Hiện nay có khá nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tuyển sinh đào tạo một số chương trình liên kết quốc tế. Theo nhiều chuyên gia nhận định, đây là xu hướng tích cực, thể hiện sự năng động, quyền tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế, tuy vậy cần chú ý về chất lượng đào tạo.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến tháng 9/2023 có khoảng 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Hiện nay đã có trên 25 nghìn sinh viên theo học các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài trong phạm vi cả nước.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Luật Giáo dục Đại học năm 2012 đã dành một điều quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài (Điều 45). Năm 2018, Luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều và tiếp tục làm rõ hơn các yêu cầu về chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh phù hợp với xu thế tự chủ và ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn về xác định chỉ tiêu giảng viên là người nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo. Từ đó giúp các trường có căn cứ tính toán nguồn lực bảo đảm chương trình có chất lượng.
Bộ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dữ liệu sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ràng buộc các trường trong quản lý chất lượng đào tạo...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chỉ tiêu về cấp văn bằng chứng chỉ, chương trình liên kết đào tạo và lắng nghe ý kiến phản ánh từ các cơ sở đào tạo.