Chính trị

Cần giải quyết 3 điểm nghẽn lớn trong giáo dục mầm non

Ngọc Mai 04/04/2024 - 15:41

Nêu rõ nội dung trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề xã hội hoá, kêu gọi sự đóng góp của người dân; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non, như vấn đề biên chế giáo viên…

z5315406648379_bb78c6b79b7c3a90423f7c9c77cb470d(1).jpg
Thủ tướng: Giải quyết các điểm nghẽn lớn phải làm rõ để có cơ sở đề xuất, đó là: thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng

Phát biểu kết luận phiên họp của Ủy ban về "đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", diễn ra sáng 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng, hoàn thiện và ban hành thông báo kết luận của phiên họp.

Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng

Thủ tướng chỉ rõ giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân; với quan điểm xuyên suốt: Con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nguồn vốn quý nhất, yếu tố quyết định là con người.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ: Giáo dục đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục đào tạo cùng với phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư phát triển.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục năm 2019.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng cần tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Mới đây nhất, Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có đề ra mục tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi".

Những năm qua, giáo dục đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước. Trong đó, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục; còn những khó khăn, thách thức trước mắt cần sự nỗ lực lớn để vượt qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời.

Nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, với tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tổng thể, bao trùm, có tính toàn dân, toàn diện, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ căn cứ chính trị, pháp lý; đánh giá thực trạng hiện nay; đề xuất cơ chế, chính sách; rõ nội hàm đổi mới; rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan.

Xử lý, giải quyết 3 điểm nghẽn

Thủ tướng cho rằng, đổi mới và phát triển giáo dục mầm non phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành thể chế pháp luật để thực hiện; chúng ta cũng có Luật Giáo dục đào tạo và các luật liên quan; tuy nhiên, thực trạng còn nhiều bất cập, khó khăn khi thực hiện mục tiêu trên. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là quốc sách hàng đầu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Đề án này phải xin cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục hoàn thiện Đề án, đồng thời phải làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý, thực trạng hiện nay; thẩm quyền xem xét những vấn đề nội dung, đề xuất là của ai, Chính phủ phải làm gì? Quốc hội phải làm gì, các bộ, ngành, địa phương phải làm gì? Nội hàm phải đổi mới như thế nào? Phải phù hợp quan điểm về đường lối, vai trò, vị trí giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đào tạo và phát triển toàn diện con người; lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu cho sự phát triển; phù hợp xu thế phát triển của thời đại như phát triển xanh, phát triển số…; phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay; phổ cập mầm non từ 3-5 tuổi; đổi mới cách huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư là chính.

Thủ tướng yêu cầu vấn đề giải quyết các điểm nghẽn lớn phải làm rõ để có cơ sở đề xuất, đó là: thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, người yếu thế. Chúng ta phải phân tích để có giải pháp phù hợp. Giải quyết 3 điểm nghẽn này thì phải có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và vật chất. Do đó, phải rà soát cơ chế, chính sách hiện hành có những gì? Cái gì chưa làm được thì phải điều chỉnh, cái gì chưa có thì phải bổ sung; nhất là cơ chế huy động vật chất như thuế, đất đai, tiếp cận tín dụng; vấn đề xã hội hóa kêu gọi sự đóng góp của người dân; việc huy động nguồn nhân lực thì biên chế thế nào, trong đó biên chế của cơ sở giáo dục của Nhà nước có hạn; vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực là cơ chế gì; chính sách kêu gọi, thu hút giáo viên vào lĩnh vực này ra sao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng trên; các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cái gì đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình, được thực tế chứng minh là đúng thì áp dụng; không cầu toàn, không nóng vội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải quyết 3 điểm nghẽn lớn trong giáo dục mầm non