Tây Nguyên “chết khát”

Bảo Dân| 27/04/2016 13:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới ngày nào đến thăm Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, du khách có thể cưỡi voi vượt Sêrêpôk mênh mang sông nước… Nay Sêrêpốk không còn nước, Buôn Đôn giờ không còn là biểu tượng du lịch Đắk Lắk - Tây Nguyên nữa! Nhiều con sông khác của Tây Nguyên cũng thiếu nước.

Truy tìm nguyên nhân khiến Tây Nguyên “chết khát”, không khó khăn gì các chuyên gia đã chỉ ra thủ phạm gây khô hạn ở đây không chỉ là thiên tai mà còn là nhân tai. Người ta làm thủy điện không đúng quy hoạch, trong đó có cả các sai lầm thế kỷ khi chặn ngang dòng sông làm thủy điện rồi bẻ dòng chảy theo hướng khác. Đó là thủy điện An Khê - Ka Nak, chặn sông Ba ở đầu nguồn Gia Lai rồi cho nước chảy về tỉnh Bình Định đã hủy hoại môi trường, gây hạn hán vào mùa khô và ngập lụt nghiêm trọng vào mùa lũ. Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (Gia Lai) đã đưa ra trước nghị trường vấn đề thủy điện An Khê - Ka Nak,  tâm tư và nỗi bức xúc của hàng triệu người dân hai tỉnh đang sống trong vùng khô hạn do thủy điện chặn dòng trái quy luật tự nhiên.

Tây Nguyên “chết khát”

Chiều 5-4, thủy điện An Khê - Kanak chỉ xả một lượng nước nhỏ về sông Ba (Ảnh: Hoàng Thanh)

Vậy ai là người thực hiện và phê duyệt báo cáo tác động môi trường công trình sai lầm thế kỷ này? Sao không triệu họ ra giải trình trước Quốc hội? Người dân vẫn còn nhớ từng có chuyện sao chép báo cáo tác động môi trường dự án này cho dự án khác bị phát hiện. Lẽ ra phải xử lý hình sự vụ này theo Luật Bảo vệ môi trường nhưng cũng chìm xuồng rồi cho qua. Hơn một thập kỷ qua, kể từ khi Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động, người dân vùng hạ lưu đã chứng kiến sông Ba mùa khô, thiếu nước, mùa xả lũ gây những thiệt hại to lớn cho dân. Rồi  lượng xả thải từ các nhà máy ở đây đã làm sông Ba chết ngạt.

Tây Nguyên chết khát còn vì mất rừng nhiều quá. Rừng ở Tây Nguyên - lá phổi xanh của Đông Dương đã mất 35 vạn héc ta trong 5 năm qua. Tính ra mỗi năm mất hơn 51.200ha rừng. Trong khi đó, việc trồng bù 16.000ha rừng tại 240 dự án,  nhưng mới trồng được khoảng hơn 1.000ha.  Bây giờ  độ che phủ rừng toàn vùng Tây Nguyên chỉ  còn  khoảng 30%. Cứ đà này có ngày Tây Nguyên hết rừng!

Tỉnh Lâm Đồng cũng có 2 công trình chuyển nước là thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh. Thủy điện Đa Nhim chuyển một phần lưu vực sông Đa Nhim thuộc hệ thống sông Đồng Nai sang sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) để tận dụng lợi thế chênh lệch độ cao tự nhiên giữa hai lưu vực. Thủy điện Đại Ninh thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai chuyển một phần lưu vực của sông Đồng Nai sang sông Lũy, tỉnh Bình Thuận. Tại Kon Tum, thủy điện Thượng Kon Tum cũng đang được xây dựng cũng là công trình chuyển nước từ sông Đăk Snghé (tỉnh Kon Tum) sang sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi).

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam khẳng định chúng ta đã phải trả giá cho việc xây dựng những công trình chuyển dòng như thuỷ điện Đắk Mi 4, An Khê - Kanak… Con sông là nguồn sống của hàng triệu người, không thể lấy nước của lưu vực này chuyển cho lưu vực khác.

Được biết, để cứu Tây Nguyên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xây dựng 155 dự án thủy điện và 72 vị trí thủy điện tiềm năng với tổng công suất 800 MW bị loại khỏi quy hoạch thủy điện Tây Nguyên giai đoạn sau 2016-2020. Hy vọng động thái này sẽ giải cứu bước đầu cho Tây Nguyên chết khát!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên “chết khát”