Chiều 5/4, Hội nghị Chánh án 3 cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2024 nhằm “Rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án” đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Chí Công, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng trình bày báo cáo rút kinh nghiệm công tác xét xử, giải quyết án của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo đó, từ 01/10/2022 đến 29/02/2024, TAND cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý phúc thẩm 2.761 vụ án các loại, đã giải quyết 2.068 vụ, còn lại 693 vụ; huỷ án 49 vụ, sửa án 248 vụ. Trong 2.068 vụ án phúc thẩm đã xét xử, giải quyết có 118 vụ án có kháng nghị của Viện kiểm sát (5,7%); trong đó, số kháng nghị được chấp nhận là 65 vụ (55,1%), số kháng nghị không được chấp nhận 31 vụ (26,3%), Viện kiểm sát rút kháng nghị 22 vụ (18,6%).
Xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm tổng số thụ lý 173 vụ, trong đó có 103 vụ do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị, số còn lại do Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị; đã giải quyết 160 vụ, còn lại 13 vụ. So với năm 2022, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án giảm 1/3, chất lượng kháng nghị đạt cao hơn năm trước.
Từ các số liệu chung có thể thấy TAND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt công tác chuyên môn - nghiệp vụ, nâng cao chất lượng cũng như số lượng các vụ việc đã giải quyết cao hơn năm 2022, đáp ứng yêu cầu của ngành, địa phương.
Tuy nhiên, qua công tác xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án của các tỉnh, thành phố trong khu vực, TAND cấp cao tại Đà Nẵng thấy rằng một số Tòa địa phương vẫn còn một số thiếu sót, sai lầm nghiêm trọng cần rút kinh nghiệm chung.
Báo cáo chỉ ra một số thiếu sót cần lưu ý rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết án. Cụ thể, đối với án hình sự, nguyên nhân bị hủy, sửa chủ yếu do xác định không đúng tội danh; áp dụng hình phạt, xác định số lượng và giá trị vật chứng; áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề; xác định đối tượng phạm tội, xử lý vật chứng; cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền; bỏ lọt tội phạm...
Về hành chính, đa số các vụ án bị hủy, sửa là do có sai sót trong việc: bỏ sót người tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hành chính; quá trình giải quyết vụ án, nhiều trường hợp cấp sơ thẩm xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ; giải quyết vượt thẩm quyền của HĐXX; xác định đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện...
Về án dân sự: Áp dụng pháp luật không đúng; thiếu sót trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ; chia di sản thừa kế bằng hiện vật; thiếu sót trong việc xác minh, thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan; xét xử vượt quá thẩm quyền của HĐXX; không tiến hành đối chất khi các đương sự có lời khai mâu thuẫn; đánh giá chứng cứ...
Đối với án kinh doanh thương mại: Xử lý hợp đồng thế chấp tài sản không đúng, thu thập xác minh tài liệu chứng cứ không đầy đủ và toàn diện; từ đó dẫn đến phán quyết không đúng bản chất sự việc.
Về án hôn nhân gia đình: chủ yếu tập trung ở việc phân chia tài sản không hợp lý theo công sức đóng góp của mỗi bên, xác định các thành viên trong hộ gia đình không đúng, xác định nghĩa vụ trả nợ chung không đúng, vận dụng sai tinh thần Án lệ số 03 và các án lệ, hướng dẫn liên quan, xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ và toàn diện....
Về phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong 17 tháng qua, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tổ chức 941 phiên tòa trực tuyến. Kết quả này là sự phối hợp tích cực giữa TAND cấp cao tại Đà Nẵng và các Tòa án địa phương trong khu vực.
Công tác ủy thác của TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho các Tòa án địa phương trong việc xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ phục vụ hoạt động xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng, góp phần tích cực giải quyết nhanh vụ án và hạn chế tối đa hủy án do việc thiếu tài liệu, chứng cứ liên quan.
Sau phần báo cáo, các đơn vị đã phát biểu tham luận và TAND cấp cao tại Đà Nẵng trao đổi những nội dung mà các đơn vị phản hồi đối với án bị hủy, sửa.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC biểu dương TAND cấp cao tại Đà Nẵng trong thời gian gần đây chất lượng công tác xét xử ngày một tốt hơn.
Phó Chánh án TANDTC đánh giá cao việc TAND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Chánh án 3 cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2024 nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án. Đây là một hội nghị rút kinh nghiệm về chuyên môn rất thiết thực, các vấn đề thảo luận đa dạng, đầu tư nhiều chất xám, các vấn đề được lựa chọn kỹ lưỡng từ trong thực tiễn công tác xét xử.
Phó Chánh án TANDTC cũng nêu ra một số vụ án cụ thể, từ đó chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết.
Bế mạc Hội nghị, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường cảm ơn đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC đã quan tâm dự và có ý kiến quý báu chỉ đạo Hội nghị, đại diện các Vụ thuộc TANDTC có nhiều thông tin trao đổi bổ ích giúp các đồng chí Thẩm phán nâng tầm kiến thức.
Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng bày tỏ sự tin tưởng sau Hội nghị này, chất lượng công tác năm 2024 cả 3 cấp sẽ tốt hơn, công tác phối hợp xét xử trực tuyến và thu thập chứng cứ sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.