Ngày 26/10, tại TP. Hồ Chí Minh, TANDTC tổ chức Hội thảo về Đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử.
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa - Phó Chánh án Thường trực TANDTC đến dự và chủ trì hội thảo.
Cùng tham dự hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TANDTC; các Thẩm phán, lãnh đạo các cơ quan TANDTC; lãnh đạo TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh và lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam và VKSND Tp. Hồ Chí Minh…
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa điểm lại lịch sử trang phục của Thẩm phán và mô hình phòng xét xử của Tòa án Việt Nam qua các thời kỳ, cũng như trang phục Thẩm phán và mô hình phòng xét xử của các nước trên thế giới hiện nay. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc đổi mới trang phục của Thẩm phán và mô hình phòng xét xử là việc làm cấp thiết nhằm đáp ứng tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, vị thế của Thẩm phán theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Sau khi nêu và phân tích các chế định mới về Tòa án, về Thẩm phán và Hội thẩm theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa cho rằng, địa vị pháp lý của Thẩm phán, Hội thẩm đã được xác định ở một vị thế mới. Đặc biệt, theo quy định mới, TAND là một thiết chế quan trọng trong bộ máy nhà nước thực hiện quyền lực Nhà nước mà cụ thể là quyền tư pháp, là hiện thân của công lý, là chỗ dựa của công dân về công lý.
Do đó, hình ảnh của những người đại diện cho Tòa án thực hiện nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp cần được xây dựng một cách gần gũi, thân thiện nhưng đảm bảo tính trang nghiêm, lịch sự khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo sự hội nhập quốc tế. Đặc biệt là phải thể hiện tính uy nghiêm, trang trọng và mang “tính quyền lực Nhà nước” khi nhân danh Nhà nước tuyên các bản án, quyết định. Một trong những biểu hiện của hình ảnh đó là trang phục của thành viên HĐXX và mô hình phòng xét xử. Xuất phát từ những lý do nêu trên nên việc nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đổi mới trang phục của thành viên HĐXX và mô hình phòng xét xử là việc làm cấp thiết, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương đề cao tác phong lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Trong không khí chân tình, cởi mở, góp ý trên tinh thần xây dựng, hội thảo đã lắng nghe rất nhiều ý kiến đóng góp về trang phục của Thẩm phán và mô hình phòng xét xử.
Các đại biểu tại hội thảo tham gia đóng góp ý kiến về đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm và mô hình phòng xét xử
Hầu hết các ý kiến đóng góp đều đồng tình với việc bổ sung trang phục xét xử của Thẩm phán là áo thụng đen như đề án đã xây dựng. Đây gần như mẫu trang phục chung của hầu hết các nước trên thế giới đang sử dụng. Nói như ông Lê Thúc Anh - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì hình ảnh chiếc áo thụng của Thẩm phán khi xét xử là thành quả tố tụng của loài người. Khi khoác chiếc áo này, người Thẩm phán đang gánh trách nhiệm Nhà nước thực hiện nhiệm vụ xét xử.
Còn về mô hình phòng xét xử, đa số ý kiến của các đại biểu về dự hội thảo đều đồng tình theo các bố trí phòng xét xử hiện nay của TAND TP. Đà Nẵng. Theo đó, HĐXX ngồi ở vị trí cao nhất, riêng biệt, dưới Quốc huy và chính giữa hội trường. Ngồi phía dưới và ngay trước HĐXX là bàn thư ký phiên tòa. Cũng phía dưới và bên tay phải HĐXX là bàn của đại diện VKS, bên tay trái đối diện VKS là bàn của Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những người tham gia tố tụng khác ngồi phía dưới đối diện với Thư ký phiên tòa.
Ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP. Đà Nẵng lý giải rằng, cách bố trí mô hình này là đáp ứng được tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Thứ nhất, đảm bảo thể hiện được vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX. Dưới Quốc huy, HĐXX nhân danh Nhà nước ra phán quyết. Thứ hai, đại diện VKS, Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng với tư cách là các chủ thể của hoạt động tố tụng đã có được vi trí ngồi bình đẳng. Thứ ba, Thư ký phiên tòa được bố trí ở vị trí thuận lợi nhất để có thể nắm rõ việc điều hành phiên tòa của HĐXX, nghe rõ lời phát biểu của VKS và lời trình bày của những tham gia tố tụng. Từ đó, việc ghi biên bản phiên tòa được thực hiện một cách chính xác, khách quan đúng diễn biến phiên tòa. Đồng thời, vị trí ngồi của Thư ký phiên tòa còn là cầu nối trong sự liên hệ giữa HĐXX và những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử.
Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với mô hình phòng xét xử của TAND TP. Đà Nẵng. Nó linh động trong xét xử các loại vụ án, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của Tòa án trên cả nước hiện nay. Đặc biệt, việc bố trí chỗ ngồi của KSV và Luật sư ngang hàng và đối diện nhau là thể hiện sự bình đẳng theo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tuy nhiên, theo đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh, sau khi phân tích chức năng nhiệm vụ của VKS về thực hiện quyền lực Nhà nước nên không thể bố trí chỗ ngồi ngang bằng với luật sư.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cảm ơn những ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, mang tính xây dựng. Về trang phục, đa số các ý kiến đều đồng tình về việc nhanh chóng thay đổi trang phục Thẩm phán khi xét xử chọn áo thụng như các nước trên thế giới đang sử dụng. Mô hình phòng xét xử đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, chức năng nhiệm vụ của những người tham gia tố tụng. Có 3 phương án được đưa ra: giữ nguyên như cũ; theo mô hình TAND Tp. Đà Nẵng; bố trí giống như cũ nhưng bàn của VKS và Thư ký phiên tòa thấp hơn HĐXX. Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục có ý kiến đóng góp về Bản đề án để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.