Chính trị

Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Gia Anh 10/11/2023 - 06:57

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 10/11 Quốc hội thảo luận về một số dự án Luật quan trọng, trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi).

quohoi.jpg
Hôm nay Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Cuối phiên họp, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 81 Điều.

Sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện như: Quy tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, tuần tra, kiểm soát; quản lý phương tiện giao thông; quản lý người điều khiển phương tiện giao thông; quản lý, vận hành trung tâm chỉ huy giao thông…

Việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ