Bi kịch từ lối sống lầm lạc

An Dương| 14/11/2014 04:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xã hội đang xuất hiện một bộ phận thanh niên không biết tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống, sống theo kiểu ăn chơi trác táng, thỏa mãn nhu cầu tình dục, bất chấp những chuẩn mực, bất chấp đạo đức.

Điều đáng buồn đó thể hiện rất rõ qua nhiều vụ án, thanh niên trẻ cặp bồ với những phụ nữ lớn tuổi, sau đó gây tội ác.

Vụ án Trần Đại Quang (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) vừa được Tòa án đưa ra xét xử cho thấy, cái giá phải trả cho những quan hệ lệch lạc, bệnh hoạn luôn là rất đắt… 

Vụ án bị cáo Trần Đại Quang giết con gái người tình từng gây chấn động dư luận vì tính chất, mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Vị Thẩm phán chủ tọa nhận định, hành vi phạm tội của Quang quá dã man, tàn bạo, không còn khả năng cải tạo nên loại bỏ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội bằng bản án tử hình. Có nhiều câu hỏi đọng lại sau bi kịch do bị cáo gây ra: Vì sao một thanh niên trẻ, đang ở độ tuổi lao động, sáng tạo sung sức nhất nhưng Quang lại không ý thức được trách nhiệm của bản thân? Vì sao một người phụ nữ đã có gia đình, con cái trưởng thành nhưng không gìn giữ phẩm hạnh, nêu gương cho con cái? Những trăn trở đó của những người dự khán lần lượt có câu trả lời trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

Bi kịch từ lối sống lầm lạc

Hình minh họa

Vụ án có tình tiết khá đơn giản, được Quang khai một cách rành mạch trước vành móng ngựa. Năm 2012, Quang và bà Huỳnh Thị Cẩm Nhã (48 tuổi, huyện Củ Chi) tình cờ gặp nhau. Bà Nhã tuy gần ngũ tuần nhưng vẫn giữ được vóc dáng trẻ trung so với tuổi tác. Dù có sự chênh lệch rất lớn và bà Nhã đã có con cái đề huề nhưng bà không gìn giữ được hình ảnh của một người mẹ có cốt cách, lối sống trong sáng. Quang là một thanh niên khỏe mạnh nhưng không có công ăn, việc làm ổn định nên muốn tìm một người yêu lớn tuổi để được bao bọc trong kiếp sống tầm gửi. Khi Quang ngỏ lời “yêu”, bà Nhã dễ dãi chấp nhận quan hệ trai gái, dù người tình chỉ “bằng vai phải lứa” với những đứa con của bà. Bi kịch đã nảy mầm từ mối quan hệ không bình thường đó.

Khoảng giữa năm 2013, khi tình cảm đang độ dạt dào, Quang bất ngờ bị bà Nhã ngoảnh mặt quay lưng. Cú sốc tâm lý được tạo ra từ người tình già khiến Quang muốn gặp bà Nhã để hỏi cho ra nhẽ. Sáng 8/8/2013, Quang gọi điện nhờ bà Nhã chở đi xin việc làm nhưng không được đáp ứng. Quang liền mượn xe chạy đến nhà bà Nhã và gặp con gái người tình là chị Huỳnh Lê Cẩm Hồng (21 tuổi). Lâu nay, chị Hồng không đồng ý với mối quan hệ bất thường của mẹ nên khi thấy Quang, chị không kìm nén được bức xúc, đã buông lời: “Ông là thanh niên mà tối ngày bám váy đàn bà, không thấy nhục à?”. Lời qua tiếng lại, Quang xông đến bóp cổ và đánh đập chị Hồng. Khi lòng tự trọng không còn, khi sự thù hận đã lên đến đỉnh điểm, Quang lạnh lùng hạ sát chị Hồng bằng những thủ đoạn bỉ ổi, bất lương nhất.

Nhiều câu hỏi làm rõ động cơ gây án được các thành viên HĐXX đặt ra với bị cáo. Quang cho rằng, y giết chị Hồng vì người bị hại có lời nói “xúc phạm” đến mình. Cách lý giải của Quang khiến những người dự khán bất bình, nếu bị cáo có danh dự và lòng tự trọng thì đã không quan hệ tình cảm với một người phụ nữ ngang tuổi mẹ mình để sống kiếp “tầm gửi”. Khi chị Hồng nêu đúng bản chất, dù cách thể hiện có thiếu sự tế nhị song lẽ ra bị cáo phải biết nhìn lại bản thân mình. Việc ra tay gây án đã bộc lộ đúng bản chất của Quang, đó là ti tiện, côn đồ và tàn bạo.

Người bị hại đã mất, bị cáo phải trả giá bằng sinh mạng nhưng bi kịch của vụ án gieo vào tâm khảm những người dự khán nhiều trăn trở. Ở phiên tòa có tiếng khóc của bà Nhã, người mẹ có lối sống lầm lạc, chỉ nghĩ đến dục vọng bản thân mà quên đi bà phải là tấm gương cho con cái. Ở phiên tòa có nước mắt của người bà ngoại ôm di ảnh cháu mình phải xa rời cuộc sống khi tương lai đang còn phơi phới. Ở phiên tòa có cả ánh mắt thất thần của người thân bị cáo khi con, cháu họ phải trả giá cho tội ác bằng án tử hình… Dù mỗi người tham gia phiên tòa với tư cách khác nhau nhưng họ đều cần phải soi lại bản thân mình và đặt ra trách nhiệm cá nhân. Sự ích kỷ, vô tâm, sự thiếu quan tâm đến con cái của những người làm cha, làm mẹ trong vụ án là nguyên nhân gián tiếp gây ra bi kịch cho gia đình họ, khiến xã hội thêm nhức nhối bởi nỗi đau của sự tha hóa về đạo đức, xuống cấp của lối sống…

(Tên người bị hại và thân nhân đã được thay đổi)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi kịch từ lối sống lầm lạc