Chính trị

Nhiều đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách

Bình Nguyên 12/05/2023 - 14:13

Sáng 12/5, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Phiên họp dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình hình đứt gãy các chuỗi thương mại quốc tế do dịch bệnh gây ra tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tài chính trong nước.

120520230801-z4337872021545_cc0663cc630e7bcf5078ceee6334a018.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp sáng 12/5.

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống của một bộ phận nhân dân lao động gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Vì vậy, từ cuối quý III năm 2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô cả năm được đánh giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Quyết toán thu ngân sách nhà nước tăng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu nội địa tăng 15,9% so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN đạt 82,5%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhưng quyết toán chi đầu tư phát triển NSTW giảm 13,5% so với dự toán, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án ODA gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, phê duyệt hồ sơ của một số nhà tài trợ kéo dài, nên không có khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn được giao.

Kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách 34.595 tỷ đồng

Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn cho hay, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ KH &ĐT và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 34.595 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 37.010 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

120520230920-z4338050387429_002de1579a68202e578de6c745e77616.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Tổng KTNN cũng chỉ ra những hạn chế cần phải được chấn chỉnh, như số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSNN tính đến cuối năm 2021 còn lớn. Trong năm 2021 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ( Hà Tĩnh 100,3 tỷ đồng; Bình Định 271,5 tỷ đồng; Quảng Ngãi 244,4 tỷ đồng; Hải Phòng 14,2 tỷ đồng; Quảng Ninh 20,7 tỷ đồng; Sơn La 51,9 tỷ đồng;…

Về thực hiện cải cách tiền lương, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, không lập dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi không đúng quy định. Nợ công trong năm 2021 có 3 khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách Trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỷ đồng; việc lập kế hoạch vay và báo cáo tình hình vay nợ của các địa phương chưa kịp thời theo quy định.

Đặc biệt, Tổng KTNN cũng chỉ rõ một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Ngân sách nhà nước. Cá biệt, trường hợp chậm gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đến 3 tháng (như Bộ Y tế) làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN năm.

Đối với kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân: Có 57/95 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Công tác quyết toán NSNN nhiều nơi chậm

Báo cáo thẩm tra nội dung này tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, hồ sơ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được lập cơ bản đầy đủ theo quy định tại các Nghị quyết của UBTVQH. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cũng nhấn mạnh đến tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tồn tại ở nhiều Bộ, ngành, địa phương, vẫn còn 17 Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 32 địa phương chậm tổng hợp và gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021.

Qua kết quả giám sát của Ủy ban TCNS và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH chưa được khắc phục…

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương: Rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Qua thảo luận, UBTVQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch COVID - 19 ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2,58%. Tổng thể thu ngân sách vượt dự toán 12,7% tỷ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ của Nhà nước, tỷ trọng thường xuyên bằng 62,97%, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao.

Các đại biểu cũng cho rằng, các kết quả này, cần đánh giá đúng tình hình khi đưa ra Quốc hội để đánh giá về một năm ngân sách cần có khen chê đúng mực, phải chỉ rõ địa chỉ và luôn nhận định đúng tình hình.

Tuy nhiên, qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ý kiến của UBTVQH cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.

120520230945-z4337883232240_68fae812f717d8ee8b9991326dc3afa6.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm về thời gian quyết toán. Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu.

Qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ý kiến của UBTVQH cho thấy còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục, do vậy Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, để xử lý kịp thời những vấn đề nêu trên.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách