Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 28/9, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đối với việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp đủ mức 15%
Theo dự thảo Nghị quyết, có hai khoản doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải kê khai, nộp bổ sung là thuế nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR). Trong đó, QDMTT có thể hiểu là cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Còn IRR là quy định đánh thuế từ trên xuống, cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ được quyền đánh thuế bổ sung với thu nhập của công ty thành viên ở nước chịu thuế thấp hơn 15%.
So sánh với quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thấy dự thảo Nghị quyết chưa quy định về việc thu thuế với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR). Khoản UTPR để giữ quyền có thể thu thuế với trường hợp công ty con thuộc tập đoàn ở Việt Nam được phân chia quyền thu thuế với những khoản thu nhập chưa bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại quốc gia của công ty mẹ và các quốc gia có công ty con khác.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung quy định về UTPR để có cơ sở áp dụng ngay khi OECD cho phép thực hiện, hoặc có phương án bổ sung nội dung quy định về UTPR khi sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm giữ quyền đóng góp ý kiến.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã nội luật hoá các quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Rà soát của cơ quan thuế cho thấy có 122 doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp để đủ mức 15%.
Phải có chính sách để giữ chân các doanh nghiệp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trong bối cảnh hiện nay buộc Việt Nam phải tham gia cuộc chơi. Ông lưu ý, công thức, phương pháp tính thuế cần đảm bảo rõ ràng, dễ thực thi. “Việc đánh thuế cũng phải đảm bảo giữ ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, không ảnh hưởng tới doanh nghiệp đầu tư”, ông Thanh nêu và đề nghị, phải có chính sách để vừa giữ chân các doanh nghiệp đã làm ăn kinh doanh, vừa tận dụng để thu hút dòng vốn chuyển dịch.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin khi cơ chế đánh thuế bổ sung được ban hành, sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp. Ông Phớc cũng nhấn mạnh, nếu không áp thuế tối thiểu toàn cầu với doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu euro trở lên từ đầu năm 2024, thì chúng ta từ bỏ quyền định thuế và doanh nghiệp sẽ nộp bổ sung về chính quốc - nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ. “Việt Nam sẽ thất thu thuế, mất dòng đầu tư khi các doanh nghiệp khó có thể đầu tư tiếp khi bị cơ quan thuế ở nước đặt công ty mẹ truy thu thuế”, Bộ trưởng Tài chính nói và cho biết, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung; giảm trốn thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, việc này tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và yên tâm về môi trường pháp lý của Việt Nam. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. “Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%”, ông Mạnh nói.
Theo dự kiến, Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu sẽ được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp quốc hội lần thứ 6 sắp diễn ra.