Sáng nay 11/5, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình về việc ban hành nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết 85/2014.
Theo tờ trình, Nghị quyết 85 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, Nghị quyết 85 quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, Nghị quyết này lại không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Dự thảo Nghị quyết mới quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức. Việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó, hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Cùng với đó, dự thảo nêu quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các địa phương tổ chức mô hình chính quyền đô thị gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định số 96; Bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết, việc sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để thể chế hóa quy định số 96 của Bộ Chính trị ban hành tháng 2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Quy định 96 đã có cập nhật, bổ sung thêm quy định 41 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và kết luận 20 về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút. Trong Quy định 96 đã nêu rõ với mức phiếu tín nhiệm thấp thế nào sẽ xem xét cho từ chức hay miễn nhiệm chức vụ. Việc này nhằm đảm bảo tính tổng thể, liên thông các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ nói chung và lấy phiếu tín nhiệm nói riêng.