Chính trị

Nâng cao chất lượng chương trình công tác của UBTVQH

Duy Tuấn 14/12/2023 - 17:28

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 28, chiều 14/12, các đại biểu đã cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

11 nội dung công tác năm 2023 chuyển sang 2024

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024 gồm 3 Điều và Phụ lục Dự kiến các phiên họp thường kỳ và phiên họp chuyên đề của UBTVQH năm 2024.

toancanh1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Về nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết, đã tuân thủ đúng thẩm quyền của UBTVQH và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xem xét, quyết định, cho ý kiến của UBTVQH.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề cập về một số vấn đề lớn báo cáo, xin ý kiến UBTVQH như về việc bố trí các phiên họp và một số hội nghị, hoạt động khác do UBTVQH tổ chức; về một số nội dung các cơ quan đề nghị nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; về một số nội dung UBTVQH xem xét, cho ý kiến bằng văn bản; về các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan.

bvcuong.jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đáng chú ý, theo ông Cường, đến tháng 12/2023, vẫn còn 11 nội dung đã có trong Chương trình công tác năm 2023, nhưng chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024. "Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể còn một số nội dung chưa bảo đảm thời hạn trình UBTVQH xem xét, phải lùi so với dự kiến (do các cơ quan trình không chuẩn bị kịp tài liệu). Việc ban hành một số văn bản của UBTVQH quy định chi tiết nội dung được giao trong luật còn chưa bảo đảm tiến độ đề ra trong Chương trình công tác, chưa bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật", ông Cường nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do việc nghiên cứu, đề xuất, cho ý kiến về các nội dung trong Chương trình công tác năm của UBTVQH còn chưa được các cơ quan quan tâm và dành thời gian thỏa đáng, dẫn đến nội dung đề xuất thiếu tính dự báo, trong quá trình triển khai cụ thể thường xuyên phải đề xuất bổ sung, điều chỉnh.

Gấp rút hoàn thiện 2 dự thảo Luật phải lùi thời gian thông qua

Cơ bản nhất trí về dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề cập đến một số nhiệm vụ trong tháng 1/ 2024, trong đó cần phải chuẩn bị tích cực như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Quy hoạch không gian biển quốc gia.

pcttqphuong.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, hiện chỉ còn 1 tháng để chuẩn bị các nội dung này, “nếu không tập trung thì khó có thể đảm bảo chất lượng các dự án Luật này, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một luật khó, có nhiều vấn đề mới, Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn chỉnh về mặt nội dung và các vấn đề lớn”.

Lo ngại không đảm bảo tiến độ và chất lượng vì có nhiều vấn đề cần làm rõ thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra).

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024 cần siết lại việc điều chỉnh chương trình, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra chậm trễ vấn đề này, cần kiên quyết xử lý.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt yêu cầu, "cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn thì đưa vào chương trình, nội dung nào không đưa. Do đó, đề nghị cần tăng cường kỷ luật kỷ cương và các Ủy ban phải bám sát các nội dung này".

ctqh2.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Quan tâm đến phiên họp tháng 1/2024, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phiên họp là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác thì lùi lại sang tháng 2/2024 như Luật BHXH (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi).

"Do đó, cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không đảm bảo thì lùi lại đến Kỳ họp gần nhất", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị kỹ các nội dung, nếu chưa thống nhất thì tiếp tục họp để cho ý kiến, trước mắt là nhanh chóng tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp bất thường vào tháng 1 tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí cao việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chương trình, nhất là phải quán triệt tinh thần siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về gửi tài liệu tại phiên họp, trong đó cần chú trọng về công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đạt chất lượng, đúng tiến độ, đảm bảo thời gian để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và các thành viên của UBTVQH có điều kiện nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, góp phần nâng cao chất lượng phiên họp, kỳ họp…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức các cuộc họp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị có liên quan để rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của UBTVQH năm 2024, sau đó gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng chương trình công tác của UBTVQH