Chính trị

UBTVQH chuẩn bị cho ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu

Quốc Huy 05/05/2023 - 15:48

Phiên họp thứ 23 của UBTVQH dự kiến diễn ra từ 9- 12/5 tới, sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu/bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo Nghị quyết đang được Ban công tác đại biểu của UBTVQH  lấy ý kiến đóng góp vào quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm mới, đặc biệt là quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm; cập nhật, luật hóa các quy định phù hợp tại các hướng dẫn trước đây.

So với Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến tổng số điều không đổi (18 Điều), trong đó sửa đổi, bổ sung 11/18 điều và bổ sung 2 Phụ lục. Một số điểm mới được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết tập trung vào đối tượng lấy phiếu; hệ quả việc lấy phiếu; nguyên tắc, căn cứ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm; công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

100420230844-z4251649162798_261dc43b9c337b4b2c28c4ef034e3ca2.jpg

Theo đó, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các chức danh Quốc hội phê chuẩn gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên UBND.

Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Người chờ nghỉ hưu, hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Các nội dung được đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong tiêu chí về phẩm chất chính trị, Quốc hội, HĐND khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ xem xét khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật… Một trong những tiêu chí xem xét việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ vào tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ và việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Người có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Với trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không đối với người giữ chức vụ), UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: UBTVQH tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".

Với HĐND, Thường trực HĐND bỏ phiếu đối với trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND; có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".

Theo dự thảo Nghị quyết, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "không tín nhiệm" thì xin từ chức. Trường hợp không từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp gần nhất.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Việc xây dựng Nghị quyết này nhằm thể chế hóa Quy định 96/2023 của Bộ Chính trị. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để "tham khảo trong đánh giá" như trước đây.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 22/5/2023), Quốc hội sẽ xem xét quyết định Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH chuẩn bị cho ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu