UBTVQH cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội

14/07/2023 20:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bước đầu cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại phiên họp thứ 24 diễn ra vào chiều 14/7.

UBTVQH cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, kỳ họp thứ 6 về cơ bản tổ chức tương tự như kỳ họp thứ 5 và theo quy chế hiện hành của kỳ họp - Ảnh: VGP/ĐH

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và 2024. Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung cần được trình Quốc hội xem xét quyết định để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 (cụ thể là phấn đấu cơ bản hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Đối với một số nội dung, như: Dự án LuậtQuản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trên cơ sở chuẩn bị của Chính phủ, UBTVQH sẽ xem xét, trường hợp đủ điều kiện thì sẽ đưa vào dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp.

Đối với Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, theo quy định, định kỳ 2 năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 68 để trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết mới nhưng không yêu cầu cụ thể về thời điểm trình Quốc hội. Do đó, Ủy ban Xã hội đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị chuẩn bị Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68 trong 2 năm 2021, 2022. Trường hợp Chính phủ đã tổng kết Nghị quyết nêu trên thì sẽ báo cáo Quốc hội về việc tổng kết Nghị quyết này thay cho Báo cáo tình hình triển khai trong 2 năm 2021, 2022.

Đối với Báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka pét, đề nghị chưa báo cáo tình hình thực hiện dự án này tại kỳ họp thứ 6, mà sẽ tiếp tục báo cáo từ kỳ họp thứ 8, do tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội vừa mới xem xét việc thực hiện dự án khi xem xét, quyết định điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư dự án này.

Về dự kiến thời gian họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ nội dung kỳ họp, dự kiến bố trí 11,25 ngày cho công tác lập pháp; 11 ngày cho các vấn đề quan trọng; 1,5 ngày cho khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết và dự phòng.

Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 23,25 ngày, khai mạc vào thứ hai, ngày 23/10/2023 (do ngày 20/10/2023 trùng vào ngày thứ 6) và bố trí 2 đợt họp theo 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1: Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ năm, ngày 30/11/2023 để kỳ họp kết thúc trong tháng 11/2023. Phương án 2: Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ năm, ngày 7/12/2023 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, kỳ họp thứ 6 về cơ bản tổ chức tương tự như kỳ họp thứ 5 và theo quy chế hiện hành của kỳ họp.

Về bố trí thời gian Quốc hội không họp giữa 2 đợt. Chủ tịch Quốc hội lưu ý tối đa là 1 tuần làm việc không nghỉ nhiều hơn để quyết đáp các nội dung quan trọng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất trong tháng 7 phải đăng ký những nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền tại kỳ họp thứ 6. Nếu không có đăng ký và không có hồ sơ trình để cho ý kiến thì sẽ không bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hộichủ động rà soát, đề xuất với các tổ chức, cơ quan hữu quan; nhấn mạnh, việc quốc gia đại sự phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội