Tiếp tục phiên họp đợt 2, sáng 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) là quy định về quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ OTT viễn thông được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.
Dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ này theo nguyên tắc: Đưa khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet vào dự thảo Luật, việc phân loại cụ thể dịch vụ này do Chính phủ quy định chi tiết.
Trình bày một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết. Bởi, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển. Bên cạnh đó, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Ngoài ra, một số quốc gia đã có quy định nhằm quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây với các mức độ khác nhau; nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông…
Dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ mới và đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉnh lý rõ ràng hơn.
Dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Một số quốc gia đã có quy định nhằm quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây với các mức độ khác nhau. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền internet, còn các quy định khác về trình tự, thủ tục đấu giá thì dẫn chiếu theo Luật Đấu giá tài sản; có ý kiến đề nghị các quy định chi tiết khác giao Chính phủ quy định. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chỉnh lý các quy định tại Khoản 4, Điều 48; Điểm c, d Khoản 4, Điều 50; Khoản 6, Điều 50 dự thảo luật.
Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đồng tình với nội dung tiếp thu, chỉnh lý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin, đồng thời phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực là cần thiết. Bởi, viễn thông là một trong những ngành quan trọng của quốc gia, góp phần giải quyết công ăn, việc làm, phục vụ cho đất nước, bảo đảm an ninh, an toàn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về việc điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới, gồm dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, do đây là 3 dịch vụ mới nên không phải ai cũng có thể hiểu hết, nên cần bổ sung các khái niệm ngay trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, cần quản lý và chỉ quản lý ở mức "đăng ký và thông báo". Đồng thời, phương thức quản lý phải phù hợp đối với các dịch vụ mới. Do đó, cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về nội dung này và tính toán kỹ lưỡng, thận trọng để áp dụng phù hợp với thực tế.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định. Chuẩn bị hồ sơ báo cáo dự thảo Luật, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.