Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Khắc phục tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Mai Thoa| 10/10/2014 06:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để Tòa án thực hiện “quyền tư pháp” theo đúng tinh thần Hiến pháp, bên cạnh những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì “quyền tư pháp” của Tòa án cần được thể hiện ở nhiều phương diện.

Đó là kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động tố tụng từ khâu điều tra, truy tố, xét xử; bổ sung thẩm quyền điều tra của Tòa án trong trường hợp cần thiết; kiến nghị sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp… Đây cũng là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Khắc phục việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Về vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp như đã quy định tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật TCTA (sửa đổi), TANDTC đề nghị bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ đối với những trường hợp cần thiết trong Dự thảo Luật.

Cụ thể, với thẩm quyền trên, TANDTC đề nghị quy định theo hướng, Tòa án có thẩm quyền điều tra, xác minh chứng cứ (hoặc trực tiếp chỉ đạo điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ) đối với những vụ án mà VKS đã truy tố và Tòa án đã thụ lý để đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Trường hợp trong quá trình xét xử, nếu Tòa án phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội mới thì Tòa án khởi tố vụ án để chuyển Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định tại Điều 104 BLTTHS.

Tại phiên họp UBTVQH thứ 31 vừa qua, UBTP của Quốc hội đã nhận định, tại điểm b khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật đã quy định: “Thông qua hoạt động xét xử, xem xét và kết luận về tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét và kết luận tính hợp pháp các chứng cứ, tài liệu do điều tra viên, kiểm sát viên thu thập, luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; yêu cầu Viện kiểm sát điều tra, xác minh thu thập bổ sung chứng cứ; yêu cầu điều tra viên trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm” là phù hợp với thực tiễn và lý luận. Còn thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Khắc phục tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Chánh án TANTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp thứ 31 UBTVQH

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, việc giao thẩm quyền điều tra cho Tòa án là điều kiện để Tòa án, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện.

Việc giao thẩm quyền này cũng sẽ khắc phục hạn chế, bất cập trong việc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung như hiện nay. Bởi lẽ, theo quy định của BLTTHS hiện hành thì trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, thậm chí đình chỉ vụ án thì Tòa án không có cơ sở pháp lý để kiểm soát có hiệu quả hoạt động này. Quy định này cũng chính là sự thể chế hóa yêu cầu được đặt ra tại KL số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, đó là: “Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”.

Như vậy, để việc phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý - là trung tâm của hoạt động tư pháp thì việc quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, bổ sung trong những trường hợp cần thiết là phù hợp. Quy định này cũng tạo điều kiện để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, không bị kéo dài do việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần như quy định hiện hành.

Nên trao quyền kiến nghị những văn bản trái pháp luật cho Tòa án

Về nội dung thứ 2 liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, TANDTC đề nghị bổ sung quy định: “Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn: Thông qua hoạt động xét xử, nếu phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH, nhận định và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản đó; trường hợp văn bản QPPL là văn bản dưới Luật do Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC ban hành (như Nghị định, Thông tư liên tịch, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC…) thì Tòa án tạm dừng việc giải quyết vụ việc có liên quan đến văn bản kiến nghị cho đến khi có trả lời chính thức của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp phát hiện có quy định của Luật, Pháp lệnh trái với Hiến pháp thì kiến nghị UBTVQH hoặc báo cáo Quốc hội xem xét. Nếu các cơ quan này chấp nhận kiến nghị để tiến hành xem xét tính hợp hiến của Luật, Pháp lệnh thì Tòa án tạm dừng việc giải quyết vụ việc có liên quan đến văn bản bị kiến nghị cho đến khi có ý kiến của UBTVQH hoặc Quốc hội.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, đề xuất nêu trên xuất phát từ nhiều lý do.  Thứ nhất, đây là nội dung cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực (là một trong những nội dung mới, quan trọng của Hiến pháp). Thứ hai, khi phát hiện ra văn bản QPPL có dấu hiệu trái Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH mà Tòa án vẫn thường áp dụng để đưa ra phán quyết thì có nghĩa là Tòa án đã nhận thức được phán quyết của mình không đảm bảo công lý, công bằng; có thể xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân mà vẫn quyết định là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án đã được Hiến định. Thứ ba, theo quan điểm của Thường trực UBTP “Tòa án chỉ có quyền tạm dừng việc giải quyết các vụ án có liên quan đến văn bản QPPL bị kiến nghị khi có quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. TANDTC nhận thấy, nếu văn bản QPPL có dấu hiệu vi phạm đã bị đình chỉ thì Tòa án có thể căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật để giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền mà không cần phải tạm dừng việc giải quyết.

Ngoài ra, TANDTC cũng đề nghị bổ sung quy định: Tòa án phải được kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng hình sự từ điều tra, truy tố đến xét xử trong Dự thảo Luật TCTA (như trong trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trái luật thì Tòa án có quyền hủy bỏ biện pháp đó và có thể thay thế bằng biện pháp khác).

Việc quy định thẩm quyền nêu trên là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về việc TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người (đây cũng là nội dung được thể chế hóa theo yêu cầu tại KL số 92 của Bộ Chính trị). Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự là những biện pháp rất nghiêm khắc, trực tiếp xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân… do đó, khi những biện pháp này được áp dụng mà Tòa án phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tranh chấp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, khiếu nại của đương sự thì Tòa án, với tư cách là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý phải có quyền xem xét, hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp khác ngay mà không chờ đến khi vụ án được chuyển sang Tòa án. “Nếu Tòa án chỉ được xem xét về tính hợp pháp của việc áp dụng các biện pháp này như hiện hành thì có thể có trường hợp quyền con người, quyền công dân bị vi phạm trong một thời gian dài suốt quá trình điều tra, truy tố (có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc dài hơn) mà Tòa án không thể bảo vệ được”, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Khắc phục tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung