Cải cách tư pháp

Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Nguyễn Quang 23/01/2024 18:13

Ngày 23/1, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TP.HCM chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có ông Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM; đại diện lãnh đạo VKSND TP.HCM; Sở Lao động, thương binh, xã hội; Hội Luật Gia; Hội Phụ nữ; Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM; chuyên gia của các trường đại học; các Tòa chuyên trách và TAND các quận, huyện, thành phố thuộc TAND hai cấp TP.HCM.

pho-chanh-an-phat-bieu-2(1).jpg
Phó Chánh án TAND TP.HCM Phạm Thị Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TP.HCM cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 3 đạo luật gồm Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Thi hành án Hình sự điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành tồn tại một số hạn chế như thủ tục tố tụng hình sự được thiết kế dành cho người trưởng thành để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến các thủ tục chưa thật sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên.

Mặc khác, việc thi hành pháp luật đối với người chưa thành niên có lúc, có nơi chưa đầy đủ, nghiêm túc. Tại khoản 2, Điều 8, Bộ luật Hình sự quy định: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Bên cạnh đó, nhận thức, quan niệm về việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt, chưa chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi.

le-huynh-tan-duy-pho-khoa-ds-truong-dh-luat-tp.hcm(2).jpg
PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu

Xu hướng chung của các quốc gia hiện nay là xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên thay vì quy định rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau. Qua nghiên cứu ngẫu nhiên hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới, có 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Các quốc gia đều xác định, người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự đều cảm thấy lo sợ, dễ tổn thương, bị tác động tiêu cực.

Do đó, việc bảo vệ người chưa thành niên cần có cách tiếp cận riêng biệt, có cơ chế pháp lý đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.

ba-ung-thi-xuan-huong.jpg
Bà Ung Thị Xuân Hương, Hội Luật gia TP.HCM phát biểu

Vì vậy, xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, TANDTC được giao xây dựng dự thảo Luật Tư pháp về người chưa thành niên.

Dự thảo này được xây dựng trên cở sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Việc đề xuất ban hành Luật Tư pháp về người chưa thành niên là rất cần thiết, mong rằng các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng Dự thảo Luật hoàn chỉnh và chất lượng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chánh tòa Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND TP.HCM đã giới thiệu các nội dung lớn của Dự thảo Luật và báo cáo tình hình giải quyết các vụ án hình sự về người chưa thành niên tại TAND TP.HCM.

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TP.HCM đã gợi ý những vấn đề thảo luận.

toan-canh(1).jpg
Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật Tư pháp về người chưa thành niên và các nội dung trong Dự thảo Luật. Người dưới 18 tuổi nhận thức pháp luật còn hạn chế, khi vi phạm pháp luật cần phải tạo cơ hội để người chưa thành niên hiểu, nhận thức ra cái sai và sửa sai để tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn, cho rằng Dự án Luật có nhiều chính sách lớn lần đầu tiên được đề xuất trong Dự thảo Luật. Vì vậy, cần có những đánh giá, tổng kết thực tiễn tại các cơ quan, cơ sở quản lý giáo dục người chưa thành niên để có Dự thảo Luật toàn diện.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm phần thi hành án đối với người chưa thành niên vào Dự thảo Luật.

Về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, các đại biểu cho rằng, nên áp dụng chuyển hướng ngay khi phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng chuyển hướng càng sớm càng tốt đối với trẻ. Đồng thời, thống nhất phương án Tòa án là cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

dai-bieu-tham-du-hoi-nghi(1).jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Về hình phạt, áp dụng phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đặc điểm của người chưa thành niên và đảm bảo nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt người chưa thành niên nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Mặc khác, cần phải xem xét đến nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên.

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp quy định về bồi thường thiệt hại, phạt tiền, cơ quan điều phối, biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên…

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TP.HCM đã trân trọng cảm ơn và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến đóng góp tâm quyết, quý báu của các đại biểu.

Trong thời gian tới, TAND TP.HCM rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp trực tiếp hoặc bằng văn bản của các đại biểu. Những ý kiến tại hội nghị là nguồn tư liệu, kiến thức quý báu để đơn vị tổng hợp báo cáo TANDTC để trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên