"TAND TP.HCM phải trở thành điểm sáng hàng đầu trong toàn hệ thống Tòa án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử", Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhắn nhủ đến TAND TP.HCM.
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai công tác năm 2024 TAND hai cấp TP.HCM tổ chức vào sáng 27/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao kết quả của hệ thống Tòa án nói chung và TAND hai cấp TP.HCM đạt được trong năm qua.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2023, Tòa án đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong nỗ lực chung của toàn hệ thống có sự đóng góp quan trọng của các tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM, nơi có số lượng án chiếm tỷ trọng rất cao trong quy mô toàn quốc.
Năm qua, toàn hệ thống giải quyết hơn 600.000 vụ việc, TP.HCM chiếm hơn 60.000 vụ, hơn 10% tổng số án cả nước. Mặt khác, do vị trí của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nên quy mô, tính chất các vụ án xảy ra tại TP.HCM khác biệt và lớn hơn nhiều so với các địa phương khác.
Theo Chánh án, TP.HCM là địa bàn kinh tế năng động, quy mô cũng tăng, áp lực đặt ra cho đội ngũ Thẩm phán khi phải giải quyết một số lượng lớn công việc không ngừng tăng lên, tính chất ngày càng phức tạp.
Trong điều kiện như thế, TAND hai cấp đã giải quyết được 85,96%, vượt so với yêu cầu Quốc hội, chất lượng giải quyết án của TP.HCM rất tốt, tỷ lệ hủy, sửa thấp.
Đặc biệt, trong giải quyết các vụ án, TP.HCM là đơn vị duy nhất giải quyết được nhiều loại án phá sản, đây được xem là án khó của toàn quốc hiện nay.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng, những kinh nghiệm của TP.HCM trong việc xét xử án phá sản sẽ là những kinh nghiệm chung của các nước trong tương lai.
Chánh án cũng nhấn mạnh nhiều điểm sáng của TAND hai cấp TP.HCM như việc xét xử trực tuyến, việc công khai bản án, ứng dụng công nghệ thông tin...
Cùng với Hà Nội, TP.HCM được ủy quyền xét xử các vụ án lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, TP.HCM đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xét xử nghiêm túc, đúng người, đúng tội, các bản án nghiêm khắc, đúng thời hạn, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng lưu ý một số hạn chế của TAND hai cấp TP.HCM như án tồn đọng, tạm đình chỉ còn cao; tỷ lệ hòa giải hơi ít so với các địa phương khác; việc tương tác Trợ lý ảo của TP.HCM ít hơn nhiều các địa phương khác.
Trong năm 2024, Chánh án đề nghị TAND hai cấp TP.HCM tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm toàn hệ thống.
"Nhiệm vụ căn cốt là xét xử, nâng cao chất lượng xét xử và hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, đây là thước đo chính xác, đánh giá uy tín của Tòa án để nhân dân tin vào Tòa án, đánh giá năng lực sự cống hiến của Thẩm phán đối với sự nghiệp chung", Chánh án nói.
Đặc biệt, phải nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm, đạo đức Thẩm phán. "Chúng ta vinh dự là những người bảo vệ, thực thi công lý, phải cố gắng giữ gìn hình ảnh đó, vinh dự lớn nhưng trách nhiệm lớn, rủi ro cũng nhiều, áp lực cũng lớn", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án cho rằng một trong những giải pháp để giảm áp lực cho TAND hai cấp TP.HCM là tăng cường xét xử trực tuyến, hòa giải đối thoại.
"TAND TP.HCM phải trở thành điểm sáng hàng đầu trong toàn hệ thống Tòa án về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử", Chánh án Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng.
Tham dự hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao, hoan nghênh, cảm ơn sự đóng góp của các ngành bảo vệ pháp luật trên địa bàn thành phố, trong đó có Tòa án.
Ông tin tưởng, TAND hai cấp TP.HCM sẽ tiếp tục vượt qua những thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2023, trong bối cảnh chung, thế giới biến động, TP.HCM cũng có nhiều vấn đề, bên cạnh việc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, xử lý tồn đọng trên địa bàn, thành phố phát sinh thêm những vấn đề mới hết sức nghiêm trọng.
Theo người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, đối mặt với khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đây là thành tựu của xã hội loài người, mặt tích cực đã thấy nhưng ngược lại phải đối diện với những mặt trái, thử thách, ông cho rằng đây là thử thách vô cùng lớn đối với lực lượng bảo vệ pháp luật nói chung, các cơ quan tố tụng nói riêng, đặc biệt cơ quan xét xử.
"Thành phố là trung tâm của nhiều trung tâm, pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng đồng bộ, tương thức, sự tương thông trong nhiều vấn đề giữa quan hệ pháp luật không đơn giản", ông Nên nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng dành nhiều lời khen ngợi cho TAND hai cấp TP.HCM, trong đó có việc xét xử vụ Nguyễn Phương Hằng.
Với Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bí thư Nên gợi ý TAND hai cấp TP.HCM mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với tình hình, phù hợp với cái chung nhằm đảm bảo, động viên cho cán bộ, công nhân viên chức cống hiến.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được nhận Cờ thi đua TAND, Bằng khen của Chánh án TANDTC, danh hiệu Thẩm phán giỏi…
Các nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng năm 2024:
TAND hai cấp TP.HCM phấn đấu năm 2024, không có án oan sai và án quá hạn luật định.
Chỉ tiêu giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, đạt tỷ lệ giải quyết trên 90%; các vụ, việc dân sự, đạt tỷ lệ giải quyết, xét xử trên 85%; các vụ án hành chính, đạt tỷ lệ giải quyết, xét xử trên 70%.
Giải quyết việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đạt tỷ lệ giải quyết trên 99%.
Bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định. Ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn đối với người bị kết án mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 100%.
Phấn đấu giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán thấp hơn năm 2023.
Thực hiện việc công bố bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND đúng thời hạn luật định.
Bảo đảm tổ chức, thực hiện tốt phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp đối với từng Thẩm phán ít nhất 1 vụ/năm.
Bảo đảm tổ chức, thực hiện phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội
Bảo đảm việc đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển án lệ.
Bảo đảm việc 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 1 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo.
Tiếp tục củng cố kiện toàn công tác tổ chức, thực hiện luân chuyển, biệt phái, điều động cán bộ; đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, nhất là những đơn vị còn yếu và thiếu biên chế.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
Thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Đẩy mạnh phong trào thi đua theo chủ đề “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong năm 2024.
Tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với Tòa án các huyện, thành phố; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế thiếu sót, nâng cao chất lượng giải quyết án.
Làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn luật định.
Quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả; ngân sách được cấp có kế hoạch thực hiện chi đúng, đủ, đảm bảo theo nguyên tắc tài chính, kế toán.
Giữ vững danh hiệu cơ quan văn hóa; cơ quan an toàn về an ninh trật tự; cơ quan an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện đầy đủ các cuộc vận động đóng góp các quỹ an sinh xã hội.
Tổ chức tổng kết đánh giá phong trào thi đua năm 2023 và triển khai phát động phong trào thi đua năm 2024.
Thực hiện tốt công tác văn phòng, báo cáo, thống kê đúng thời hạn; quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả.