Cải cách tư pháp

Quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp

Mai Đỉnh 02/07/2025 - 13:34

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa ban hành Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân (TAND), có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Nghị quyết gồm 09 Điều, hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các TAND kể từ ngày 01/7/2025 theo quy định của Luật Tổ chức TAND, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan.

nghi-quyet-hdtp-tandtc(1).jpg

Tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của TANDTC, Tòa Phúc thẩm TANDTC, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực

Theo đó, TANDTC tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền về xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp dưới; Giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị về phá sản.

Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng; Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của TANDTC, TAND cấp cao (trước đây), theo quy định của pháp luật…

Đối với Tòa Phúc thẩm TANDTC, thực hiện phúc thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác mà TAND cấp cao đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong; vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm; Phúc thẩm vụ án hình sự thuộc một trong các trường hợp…

Phúc thẩm vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản…

Giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại; Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng.

Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết mà có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện,...;

Về TAND cấp tỉnh, thực hiện thẩm quyền sơ thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, giải quyết phá sản và các vụ việc khác mà TAND cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong.

Sơ thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm; Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị...;

Đặc biệt, Nghị quyết hướng dẫn chi tiết thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện (trước đây), TAND khu vực trong các trường hợp cụ thể.

Đồng thời giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của TAND cấp huyện, TAND khu vực.

Xem xét, ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án trong một số trường hợp; Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng.. Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật…

Chánh án TAND khu vực kiến nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Đối với TAND khu vực, thực hiện sơ thẩm vụ án, vụ việc; giải quyết vụ việc phá sản và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND khu vực; Thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động hoà giải, đối thoại tại Tòa án

Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Giải quyết vụ việc bắt giữ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của TAND khu vực mà TAND cấp tỉnh đã nhận đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý; Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp.

Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng; Xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với phạm nhân, áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong công tác thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chánh án TAND khu vực kiến nghị Chánh án TANDTC, Chánh án TAND cấp tỉnh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.

Cùng với đó, Nghị quyết hướng dẫn về việc xác định TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với vụ án, vụ việc đã được TAND cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2025; Việc tiếp nhận thủ tục tố tụng, sử dụng văn bản do TAND cấp cao (trước đây), TAND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành; Sử dụng biểu mẫu tố tụng.

Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng

Điều 8 Nghị quyết số 01/2025 quy định: Kể từ ngày 01/7/2025, đối với những vụ án, vụ việc mà Tòa án đang giải quyết thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng được xác định như sau:

Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Trường hợp đương sự là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.

Trường hợp đương sự là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng.

Kể từ ngày 01/7/2025, đối với vụ án, vụ việc mà Tòa án mới thụ lý thì Toà án xác định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là đương sự trong vụ án, vụ việc.

Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP về Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các TAND. Xem chi tiết TẠI ĐÂY

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp