Chiều 29/9, TAND tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Đoàn ĐBQH về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sau 8 năm bộ Luật này được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014.
Về phía địa phương, tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình; Bà Nguyễn Minh Tâm - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Bình và ông Trần Quang Minh – Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Văn phòng HĐND tỉnh và một số cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Phía TAND tỉnh có ông Nguyễn Hữu Tuyến - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình. Cùng sự có mặt của hai Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình - ông Võ Bá Lưu và ông Trần Hữu Sỹ. Một số đồng chí Trưởng phòng, Chánh văn phòng và người lao động trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình cũng tham gia hội nghị.
Được biết, tại kỳ họp thứ 8 ngày 24/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và kể từ ngày 01/6/2015 bộ Luật có hiệu lực thi hành. Sau 08 năm thi hành cho thấy các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý để các Tòa án nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, góp phần vào sự phát triển của nền tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý. “Những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nêu trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại; cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án theo chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, yêu cầu hội nhập quốc tế, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới” – ông Nguyễn Hữu Tuyến - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND Quảng Bình nhấn mạnh khi hội nghị lấy ý kiến bắt đầu.
Theo Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình cho biết, Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn có nhiều vướng mắc, bất cập như: (1) Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; (2) Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; (3) Tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; (4) Việc phân chia các ngạch Thẩm phán; (5) Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (6) Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; (7) Cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; (8) Cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án;…
Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cần phải được thể chế hoá để triển khai thực hiện trên thực tế.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 151 Điều được bố cục thành 9 chương, trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, Dự thảo Luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.
Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023.
Bố cục của Dự thảo Luật gồm: Những quy định chung; Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; Hội đồng Tư pháp quốc gia; Tổ chức bộ máy; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; Hội thẩm; Tổ chức xét xử; Bảo đảm hoạt động của TAND; Điều khoản thi hành.
Về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Bình trình bày xin ý kiến, ông Trần Quang Minh – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình có một số ý kiến, quan điểm như: Vấn đề điều chỉnh nhiệm vụ quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án là rất khó khăn và thiếu sự khách quan. Về lâu dài, Ban soạn thảo cần có hướng thu thập những chứng cứ, tài liệu hướng tới những người yếu thế về nhận thức tư duy cũng như trình độ dân trí thấp kém để bảo về quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của những đối tượng này.
Còn về các vụ việc vi phạm hành chính thì theo quy định của Luật cần cụ thể như thế nào để có căn cứ rõ ràng. Cũng theo quan điểm của ông Minh, về chế độ của các chức danh Thẩm phán cần có sự đãi ngộ cao hơn để tránh tiêu cực, đồng thời bổ sung đạo đức về công vụ để nâng cao chất lượng công việc.
Đánh giá về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Tâm – TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề xuất quan điểm để TAND Quảng Bình đánh giá tính khả thi, nguồn lực khả thi khi áp dụng Luật mới trong bộ máy tổ chức ngành Tòa án tại địa phương này.
Cũng theo bà Tâm, việc điều chỉnh không thu thập tài liệu, chứng cứ trong xét xử liệu có ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử hay không? Còn về tổ chức thành lập Hội đồng Tư pháp Quốc gia là một vấn đề lớn cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng vì lo ngại sẽ phình to bộ máy tổ chức, phát sinh kinh phí cũng như nguồn nhân lực.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, đồng chí Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ quan điểm nhất trí với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thì Dự thảo cần nói rõ về quyền giám sát của người dân đối với Tòa án, trong quy định của pháp luật như thế nào để người dân giám sát cần xem xét nội dung cụ thể. Nếu Thẩm phán có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì ai, đơn vị nào sẽ khởi tố vụ án?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuyến – Chánh án TAND Quảng Bình cho biết, nếu Thẩm phán có sai phạm thì không chỉ có Viện KSND Tối cao mà cả Cơ quan điều tra của Công an vẫn có chức năng nhiệm vụ khởi tố nếu phát hiện ra dấu hiệu tội phạm.
Ý kiến của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, về thay đổi tổ chức bộ máy chuyển từ TAND cấp huyện thành TAND cấp sơ thẩm, TAND cấp tỉnh thành phúc thẩm cần đánh giá lại tiêu chí phù hợp với thực tế. Bởi, theo ông Vũ Đại Thắng thì khi TAND thay đổi như vậy buộc các cơ quan liên quan như Viện KSND, Cơ quan điều tra cũng buộc phải có những thay đổi để phù hợp với tổ chức bộ máy của TAND.
Kết thúc hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình – đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến đánh giá cao các ý kiến chất lượng của các đại biểu, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án luật. Đồng thời, TAND Quảng Bình sẽ tổng hợp các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trình lên TANDTC để xem xét, sửa đổi một cách khả thi, hợp lý nhất khi Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành tại địa phương.