Tòa án địa phương

Đoàn ĐBQH và TAND tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Ngọc Bảo - Thái Tôn 29/09/2023 - 12:08

Các ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng của các đại biểu thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc và lãnh đạo, cán bộ TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Mới đây, TAND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Tham dự hội nghị về phía TAND tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Đinh Ngọc Huân - Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc; Đỗ Anh Cường - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Thanh Danh - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc; các đồng chí Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng TAND tỉnh; Chánh án TAND các huyện, thành phố.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Văn Mạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc; Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Lê Tất Hiếu - Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Văn Hòa - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

z4737038315859_35b07c6bcffdbc1ffa111b20249859a1.jpg
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 9 chương, 151 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023.
Bố cục của Dự thảo Luật gồm: Những quy định chung; Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; Hội đồng Tư pháp quốc gia; Tổ chức bộ máy; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; Hội thẩm; Tổ chức xét xử; Bảo đảm hoạt động của TAND; Điều khoản thi hành.

Tại hội nghị, tất cả các đại biểu thuộc Tòa án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí cao với dự thảo luật. Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau mà TANDTC xin ý kiến thì các đại biểu thuộc Tòa án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến như sau: Về quyền tư pháp: Đề nghị cần quy định rõ quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND như dự thảo luật để tạo sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp được ghi nhận trong Hiến pháp và thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Về thu thập chứng cứ: Đồng ý quy định như dự thảo vì cho rằng trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tòa án thu thập chứng cứ có thể dẫn đến việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một trong các bên đương sự, ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng, vô tư, khách quan của Tòa án và không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng. Tuy nhiên, trường hợp đương sự là người yếu thế trong xã hội hoặc để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì việc đặt ra trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ của Tòa án là cần thiết.

Về TAND sơ thẩm chuyên biệt: Đồng ý như dự thảo, chỉ quy định về nguyên tắc có TAND sơ thẩm chuyên biệt trong hệ thống Tòa án để cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW và định hướng tại Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 ngày 27/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết một số loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn. Việc thành lập và quy định địa hạt pháp lý của TAND sơ thẩm chuyên biệt cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Về Hội đồng Tư pháp quốc gia: Đồng ý như dự thảo. Việc quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia nhằm đảm bảo độc lập xét xử giữa các cấp Tòa án; tránh sự can thiệp, chi phối về mặt hành chính giữa các cấp Tòa án. Tên gọi của Hội đồng Tư pháp quốc gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới được bổ sung thêm cho Hội đồng. Đề xuất Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán: Đồng ý như dự thảo để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW “đổi mới thời hạn bổ nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán”, tăng cường tính độc lập của Thẩm phán. Hiện nay, các quy định ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán đã đầy đủ và chặt chẽ. Trường hợp Thẩm phán có vi phạm thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, bãi nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đồng ý với Quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm; Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Về nội hàm quyền tư pháp: Cần bổ sung Điều luật trong dự thảo luật quy định về giải thích từ ngữ trong đó có giải thích nội hàm quyền tư pháp để các ĐBQH hiểu rõ hơn trước khi thông qua. Tiếp tục rà soát pháp luật tương thích nhằm tránh chồng chéo với các luật khác.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ: Đồng ý với quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự, vụ án hành chính nhưng có quy định hỗ trợ người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội như dự thảo (Điều 15).

Về TAND sơ thẩm chuyên biệt: Đồng ý thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt như dự thảo và giao cho UBTVQH quyết định thành lập.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Tòa án hai cấp và ý kiến của các ĐBQH, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND. Mặc dù một số nội dung trong dự thảo luật có thể vẫn còn những quan điểm khác nhau nhưng các ĐBQH sẽ có ý kiến đóng góp cụ thể để khi dự thảo luật được thông qua sẽ đảm bảo chất lượng và có tính thực thi trong xã hội.

Kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao các ý kiến chất lượng của các đại biểu, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn ĐBQH và TAND tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)