Cải cách tư pháp

Chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu, trí tuệ vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Mai Đỉnh 26/07/2023 19:01

TANDTC vừa tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo TANDTC đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Dự thảo Luật có nghĩa rất lớn đối với hệ thống Tòa án cũng như xây dựng nền tư pháp nước nhà.

Sáng 26/7, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cơ quan bộ, ngành Trung ương gồm: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, VKSNDTC, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ.

Về phía TANDTC có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; Trung tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC; cùng các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

luat-to-chuc1.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Luật Tổ chức TAND 2014 áp dụng gần 9 năm qua thể hiện sự khoa học và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trong xu thế cải cách tư pháp, thực hiện hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới tổ chức hoạt động Tòa án, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND được đặt ra cấp thiết.

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu với trọng tâm là “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án, một trong những nội dung trụ cột của hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là cải cách tư pháp. Nội dung trọng yếu của cải cách tư pháp tập trung vào các nhiệm vụ để đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án các cấp.

“Tình hình thực tế và khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, đồng thời những thành tựu về khoa học pháp lý, về Tòa án, về xét xử, tư pháp… đòi hỏi cần có những thay đổi cho phù hợp. Nhất là trong xu thế hội nhập thì chúng ta cần phải có những cam kết khi là thành viên; học tập, tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm pháp lý tiên tiến để đưa nền tư pháp nước ta tiệm cận xu thế chung của quốc tế”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

d2.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Với tất cả tinh thần của Nghị quyết số 27 đã được đưa vào Dự thảo luật, Chánh án Nguyễn Hoà Bình mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo tiếp tục đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật, khắc phục những hạn chế, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin, trước đó, TANDTC đã tổ chức thành công ba hội nghị tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến của các Tòa án, đơn vị đối với Dự thảo Luật. Những ý kiến đóng góp tại các hội nghị trên rất có giá trị và đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Ban soạn thảo đã nêu ra 7 nội dung lớn trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để các đại biểu tham gia góp ý. Ý kiến phát biểu của các đại biểu sẽ được tổng hợp để Ban Cán sự đảng TANDTC cân nhắc, quyết định các phương án thể hiện trong Dự án Luật.

Về cơ bản, Dự thảo Luật kế thừa toàn bộ những thành tựu, quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều quy định đã được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, cụ thể như: Làm rõ nội hàm quyền tư pháp (Điều 2); Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (Điều 3, 27, 30); Đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án; Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Đổi tên gọi của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thành Hội đồng Tư pháp quốc gia; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng để bảo đảm độc lập tư pháp (Điều 37, 38, 39, 40, 41); Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử (Điều 120, 121, 122, 125, 128, 129, 130, 132, 133).

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được soạn thảo công phu, thể chế hoá được hầu hết các tư tưởng tiến bộ của Đảng về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục sự tổ quốc, phục vụ nhân dân trong Nghị quyết số 27/NQ-TW của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với các vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật TAND (sửa đổi) lần này. Đặc biệt là những vấn đề làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong đó có vấn đề “mở rộng thẩm quyền của Toà án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân”, “đảm bảo tính độc lập của Toà án theo thẩm quyền xét xử”, “đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân” theo Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022.

Theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật trong phiên họp tháng 9/2023; Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Như vậy, thời gian để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật không còn nhiều.

Đây là đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách của các Tòa án; có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thực hiện tốt quyền tư pháp mà Quốc hội đã giao cho TAND.

luat-to-chuc2.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp chuyên sâu, tâm huyết, có chất lượng, có giá trị của các chuyên gia, nhà khoa học đối với Dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo.

Bên cạnh việc ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chánh án mong muốn các đại biểu cũng như chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, có thêm những đóng góp thiết thực, nhằm hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), bởi lẽ lần sửa đổi này sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển đột phá của hệ thống TAND trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu, trí tuệ vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)