Cải cách tư pháp

Chánh án Phạm Xuân Thủy: “Xét xử trực tuyến là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh”

Mạnh Hùng 02/12/2023 - 16:07

“Chúng tôi coi việc xét xử trực tuyến là nhiệm vụ chính trị quan trọng để góp phần xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh”, đó là chia sẻ của Thẩm phán trung cấp Phạm Xuân Thủy, Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) với PV Báo Công lý khi nói về việc xét xử trực tuyến trong giai đoạn hiện nay.

e2b71e4a-3af1-4d6a-9995-59910d186865.jpeg
Thẩm phán trung cấp Phạm Xuân Thủy, Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội)

PV: Thưa Chánh án, được biết việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Vậy Chánh án có ý kiến chia sẻ gì về việc này?

Chánh án Phạm Xuân Thủy: Hiện nay, nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật… trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng. Vì vậy việc chuyển từ hình thức xét xử trực tiếp sang hình thức xét xử trực tuyến là cần thiết, phù hợp và được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tư duy và mô hình quản lý truyền thống sang mô hình kĩ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống điều hành, quản lý.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức với ít nhất 2 điểm cầu (hiện nay đang thực hiện chủ yếu là 2 điểm cầu) là điểm cầu trung tâm tại phòng xử án và điểm cầu thành phần, các điểm cầu có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Ngày 12 tháng 12 năm 2021, Quốc hội Khóa XV ra Nghị quyết số 33/2021/QH15 cho phép TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ vụ án liên quan bí mật Nhà nước; nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức phiên tòa trực tuyến, xét xử online khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thay vì phiên tòa truyền thống trực tiếp như trước đây là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

Đặc biệt, hệ thống Tòa án Việt Nam đã và đang trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, tiến tới xây dựng mô hình Tòa án thông minh, Tòa án điện tử, thì xét xử trực tuyến sẽ là một xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, đặc biệt là trong “thời đại số” hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp của thế giới. Đây cũng là việc thực hiện cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử.

PV: Thưa Chánh án, hiện TAND quận Hai Bà Trưng đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của ngành?

Chánh án Phạm Xuân Thủy: Đảng ủy, Ban Lãnh đạo TAND quận Hai Bà Trưng xác định: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức của đơn vị là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện Chiến lược chuyển đổi số, góp phần xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp.

Về nguồn lực con người, tại đơn vị, việc tương tác, đặt câu hỏi, trả lời các câu hỏi trong phần mềm Trợ lý ảo đã trở thành thói quen làm việc của các cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với các Thẩm phán, vì hiện nay, chỉ có các Thẩm phán mới được cấp tên đăng nhập phần mềm Trợ lý ảo. 100% Thẩm phán tại đơn vị thực hiện công bố bản án theo đúng quy định, thực hiện xét xử trực tuyến các vụ án hình sự.

Việc tổ chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học của cán bộ được đơn vị quan tâm, bản thân mỗi cán bộ cũng ý thức tự nâng cao trình độ của mình để bắt nhịp kịp thời với sự phát triển và ứng dụng của thời đại công nghệ 4.0.

Về các phần mềm ứng dụng trong hoạt động của đơn vị, phần mềm Trợ lý ảo, công bố bản án, phần mềm ứng dụng dịch vụ công trực tuyến nộp tạm ứng án phí đang được sử dụng tại đơn vị.

Về cơ sở vật chất: Đơn vị trang bị 100% cán bộ, công chức đều được cấp máy tính cá nhân, có kết nối internet để phục vụ công việc.

PV: Thưa Chánh án, để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt. Chánh án có ý kiến gì về việc này? Và đơn vị đã có kế hoạch gì cho việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT của tòa án để phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số?

Chánh án Phạm Xuân Thủy: Để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt, theo tôi đây là quan điểm đúng.

Bên cạnh đó, ngoài các trang thiết bị phần về CNTT như máy tính, modem... thì đường truyền mạng là đặc biệt quan trọng, nó không chỉ là cầu nối giữa các điểm cầu với nhau mà còn liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng trong quá trình xét xử. Do đó, yêu cầu khi xét xử trực tuyến cần có một hệ thống đường truyền tốc độ cao riêng biệt có độ ổn định và bảo mật để phục vụ xét xử trực tuyến. Ngoài ra, để vận hành tốt hệ thống xét xử trực tuyến, Tòa án cần có đội ngũ nhân lực CNTT có kỹ năng và kinh ngiệm trong lĩnh vực này.

Hiện tại đơn vị chưa có đội ngũ IT chuyên nghiệp và chuyên môn hóa, vẫn là các đồng chí Thư ký, Thẩm phán kiêm nhiệm, vì vậy thời gian để tập trung cho công tác ứng dụng CNTT tại Tòa án còn hạn chế vì phải tập trung làm nhiều công việc liên quan đến tố tụng. TAND quận Hai Bà Trưng hiện có 2 đồng chí Thư ký luân phiên nhau hỗ trợ đơn vị trong các ứng dụng CNTT, tuy nhiên các đồng chí đều là Cử nhân Luật, không có bằng cấp cao trong lĩnh vực CNTT.

Do đó, tôi xác định, cần thiết phải có đội ngũ nhân viên CNTT có trình độ và năng lực chuyên môn giỏi phục vụ cho quá trình chuyển đổi, vì vậy TAND quận Hai Bà Trưng đang đề xuất đơn vị được bổ sung chỉ tiêu cán bộ CNTT chuyên trách, đồng thời đề nghị phải có chế độ đãi ngộ tốt đối với cán bộ này để họ yên tâm công tác vì hiện nay chế độ lương đối với Chuyên viên CNTT tại Tòa án là rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

PV: Thưa Chánh án, xin ông cho biết việc xét xử trực tuyến sẽ được áp dụng phù hợp nhất cho những vụ án như thế nào?

Chánh án Phạm Xuân Thủy: Theo Điều 1, phiên tòa trực tuyến của Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến: TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: a) Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; b) Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; c) Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến còn nên được áp dụng cho những bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của đơn vị nhưng đang bị tạm giam trong vụ án khác hoặc đang chấp hành án ở tỉnh khác, bởi hiện nay, việc dẫn giải các bị cáo đó về thực hiện xét xử trực tiếp tại Trụ sở đơn vị thủ tục rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

PV: Thưa Chánh án, được biết hiện nay TAND quận Hai Bà Trưng vẫn chưa có phòng xét xử trực tuyến, mỗi khi có phiên tòa trực tuyến đơn vị đều phải liên hệ mượn phòng xử trực tuyến của TAND TP. Hà Nội nên việc xét xử vẫn còn có những có khăn, tuy nhiên đơn vị mình đã vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành đề ra, Chánh án có thể chia sẻ bí quyết để đơn vị mình có được sự thành công đó?

Chánh án Phạm Xuân Thủy: Chúng tôi coi việc xét xử trực tuyến là nhiệm vụ chính trị quan trọng để góp phần xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh. Ngay khi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, các Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, báo cáo Lãnh đạo đơn vị để liên hệ với TAND TP. Hà Nội để sắp xếp lịch xét xử trực tuyến. Bộ phận CNTT của TAND TP. Hà Nội luôn sẵn sàng nhận thông tin, sắp xếp lịch ngay nên chúng tôi không có trở ngại gì trong việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến.

Ngoài ra, việc phối hợp của Viện kiểm sát, các vị Hội thẩm nhân dân, các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư... cũng là phần không nhỏ tạo điều kiện cho chúng tôi tổ chức được các phiên tòa xét xử trực tuyến đúng quy định, đúng thời hạn.

PV: Thưa Chánh án, qua một thời gian đi vào triển khai cũng như nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện, Chánh án có thể chia sẻ những ưu, nhược điểm, cũng như giá trị từ phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại cho hệ thống Tòa án?

Chánh án Phạm Xuân Thủy: Tôi thấy ưu điểm nhiều hơn nhược điểm.

Ưu điểm đó là: Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm, từ đó giúp công dân được tiếp cận công lý tốt hơn; lực lượng áp giải, bảo vệ; đảm bảo an toàn cho lực lượng áp giải và bị cáo từ nơi giam giữ đến nơi xét xử phiên tòa trực tuyến tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc trích xuất bị cáo tham gia phiên tòa; người tham gia tố tụng có thể tham dự ở điểm cầu gần nơi cư trú.

Nhược điểm, hiện cơ sở vật chất hiện tại vẫn còn thiếu thốn, Tòa án 2 cấp Hà Nội hiện mới chỉ có 2 phòng xử xét xử trực tuyến là điểm cầu Trung tâm: 1 ở TAND TP. Hà Nội, 1 ở TAND quận Thanh Xuân…

Hiện chúng tôi vừa được phê duyệt chủ trương xây dựng Trụ sở mới, thiết kế đơn vị có phòng xét xử trực tuyến hiện đại, khang trang, chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu xét xử, góp phần không nhỏ trong công cuộc chuyển đổi sổ, cải cách hành chính, cải cách tư pháp của ngành và của địa phương.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Phạm Xuân Thủy: “Xét xử trực tuyến là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh”