Ngày 1/11, TAND TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 vụ án hình sự đối với 4 bị cáo về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”và tội “Đánh bạc” bằng hình thức trực tuyến.
Các phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu trung tâm là phòng xét xử TAND TP Bạc Liêu kết nối với điểm cầu thành phần là Nhà tạm giam Công an TP Bạc Liêu.
Các bị cáo bao gồm: Trần Văn Huynh (sinh năm 1997), ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Trần Quan Thái (sinh năm 1987), Trần Quốc Duy (sinh năm 1992) và Lục Minh Chí (sinh năm 1968) cùng ngụ TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và tội “Đánh bạc”.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời bày tỏ sự ăn năn hối cải, mong nhận được sự giảm nhẹ hình phạt của HĐXX để sớm thực hiện nghĩa vụ và quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng.
Căn cứ vào cáo trạng và hồ sơ các vụ án, kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Huynh 1 năm 3 tháng tù giam; bị cáo Trần Quan Thái 2 năm tù, bị cáo Trần Quốc Duy 1 năm 9 tháng tù cùng về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; bị cáo Lục Minh Chí 3 tháng tù về tội “Đánh bạc”.
Tại phiên tòa trực tuyến, các cơ quan tố tụng đã tiến hành đầy đủ thủ tục theo quy định, bị cáo có mặt đúng giờ, nghe và trả lời rõ câu hỏi, yêu cầu của HĐXX. Cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh, đảm bảo điều kiện tốt nhất phục vụ công tác xét xử.
Phiên tòa diễn ra trong không khí trang nghiêm, trật tự, đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật.
Bà Trần Bích Ngọc, Chánh án TAND TP Bạc Liêu cho biết, tiếp nối thành công của việc xét xử trực tuyến trong thời gian qua, TAND TP Bạc Liêu xác định việc xét xử trực tuyến là giải pháp được đơn vị này chọn thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần hiện đại hóa hoạt động của đơn vị trong năm 2023 và những năm tiếp theo, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, hiện đại hóa hoạt động xét xử, lấy TAND làm trung tâm.
Việc tổ chức phiên Tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian.