Chiều 14/9, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tham dự hội nghị có một số thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM; lãnh đạo TAND TP.HCM, các Tòa chuyên trách, 22 TAND quận, huyện, thành phố và Đoàn Hội thẩm nhân dân TAND hai cấp TP.HCM.
Mở đầu Hội nghị, Ban tổ chức đã đọc dự thảo Tờ trình của TANDTC về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Theo TANDTC việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Tổng kết lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội thảo, đa số các đại biểu đều thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Các đại biểu thống nhất cần quy định rõ quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND để tạo sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp được ghi nhận trong Hiến pháp và thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Việc quy định nội hàm quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND là bước tiến lớn về cải cách tư pháp, về đổi mới tư duy chính trị - pháp lý, góp phần phát triển nền tư pháp Việt Nam tiệm cận với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, các đại biểu cho rằng trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
Tòa án thu thập chứng cứ có thể dẫn đến việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một trong các bên đương sự, ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng, vô tư, khách quan của Tòa án và không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng.
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 15 dự thảo quy định Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ, dự thảo cần quy định cụ thể đối tượng nào người yếu thế hoặc liệt kê cụ thể những đối tượng nào là người yếu thế vào dự thảo luật.
Ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP.HCM cho rằng, dự thảo có thể bổ sung điều khoản về giải thích từ ngữ như những luật khác. Người yếu thế là những người thuộc hộ nghèo hoặc mất năng lực hành vi dân sự... Ông Thái ủng hộ việc bỏ quy định Tòa án thu thập chứng cứ, đây là xu hướng chung trên thế giới.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho rằng cần làm rõ trường hợp nào Tòa án sẽ thu thập chứng cứ, đối tượng yếu thế là trường hợp nào vì người yếu thế đã có các cơ quan hỗ trợ tư pháp.
Đối với quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt, các đại biểu đồng tình với việc thành lập các tòa chuyên biệt sẽ tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết một số loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, các loại án thuộc thẩm quyền của tòa chuyên biệt rất ít, trừ các thành phố lớn nên cần cân nhắc phương án cho phù hợp.