Tiêu điểm

Sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 là khách quan và cần thiết

K.N 07/09/2023 - 18:59

Phát biểu tại phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vào sáng 7/9, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến khẳng định, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 là khách quan và cần thiết.

Đề cập về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án.

nguyen_van_tien.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, đồng chí Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.”; “Các Tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.”

Các chủ trương lớn nêu trên là những định hướng, chỉ đạo quan trọng, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng kết 08 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý về những vấn đề như: (1) Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; (2) Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; (3) Tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao; (4) Việc phân chia các ngạch Thẩm phán; (5) Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (6) Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; (7) Cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; (8) Cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án;…

Hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới;… Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến khẳng định: Kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong nước và quốc tế về tư pháp đang đặt ra yêu cầu phải ứng dụng những thành tựu khoa học tiến bộ, phù hợp, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động để Tòa án thực hiện đầy đủ chức năng “là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Từ những căn cứ trình bày trên, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 là khách quan và cần thiết.

Sửa đổi Luật Tổ chức TAND để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau:

Thứ nhất: Thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thứ hai: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Thứ ba: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ tư: Tổng kết lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

nguyenthinga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: QH

Thứ năm: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến khẳng định: Dự án Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như: Quy định nội hàm quyền tư pháp (Điều 2); Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; Đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; TAND sơ thẩm chuyên biệt (các Điều 61, 62); Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp (các Điều 38, 39, 40, 41, 42); Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử...

Để đảm bảo chất lượng xét xử, bảo vệ sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Dự thảo luật đã bổ sung một chương quy định về việc tổ chức xét xử (Chương VII), bao gồm phương thức xét xử tại Tòa án (xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến), Phòng xử án, Phòng hòa giải đối thoại, Nội quy phiên tòa, phiên họp, bảo vệ Tòa án.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm hoạt động cho Tòa án (Chương VIII) như: quy định về xây dựng Tòa án điện tử (Điều 149), về kinh phí hoạt động của Tòa án các cấp do ngân sách Nhà nước bảo đảm phải đáp ứng nhu cầu công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp và cơ chế Hội đồng nhân dân các cấp căn cứ vào nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương quyết định hỗ trợ kinh phí cho Tòa án để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 49-NQ/TW (Điều 148); sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ chính sách, trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng nhận chức danh tư pháp (các điều 142 đến 145);...

Để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Tổ chức TAND với các bộ luật, luật có liên quan, TANDTC đã tiến hành rà soát 44 bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan với dự án Luật Tổ chức TAND. Nội dung dự án Luật đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 là khách quan và cần thiết