Hà Nội cần có một kế hoạch, chiến lược để đạt mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp

Anh Tuấn| 09/03/2022 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GDĐT lưu ý tại Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề cập tới những đặc thù của giáo dục Hà Nội, đó là quy mô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều và thách thức rất lớn. Mặc dù còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng, song theo đánh giá của Bộ trưởng, chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn nằm trong nhóm hàng đầu của cả nước.

Khẳng định giáo dục và đào tạo Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học cả nước, mà quan trọng hơn, theo Bộ trưởng, còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt cả hệ thống giáo dục nói chung.

“Sẽ không thể có Thủ đô văn hiến, không có người Hà Nội thanh lịch nếu không có một nền giáo dục tốt, văn hiến, thanh lịch không thể xây dựng trên một nền tảng giáo dục trung bình”, nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cho rằng, giáo dục Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế, cần đi trực tiếp hơn nữa vào chất lượng.

Để thực hiện được mục tiêu chất lượng, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần có một kế hoạch, thậm chí là chiến lược để đạt mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp. Đây là việc rất lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này. Trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại, đô thị sắp hình thành có giải pháp khác…

Đối với giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, quan trọng là phát triển phương diện con người về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ. Không gian giáo dục của Hà Nội không chỉ trong trường học, mà còn có cả các công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng, các không gian văn hóa công cộng… Thành phố cần tận dụng, có định hướng khai thác toàn bộ tiềm lực không gian văn hóa này để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có chiều sâu và chất lượng. “Đây là lợi thế hơn hẳn các địa phương khác”, Bộ trưởng nói.

Về giải pháp chính sách, Bộ trưởng đề nghị thành phố xem xét thí điểm, ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô, như chính sách hợp tác công tư trong giáo dục, mô hình trường liên cấp, giải pháp huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học... Bộ GDĐT cam kết sẽ cùng tham gia phối hợp, đồng thời sẽ rà soát hệ thống các chính sách hiện hành để mở đường cho phát triển giáo dục, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Để có các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch, đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của thành phố. Thành phố cũng cần xem xét phát triển mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên để chăm sóc, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất, theo hình thức cả công và tư.

Ngoài ra, trong phát triển đô thị thông minh, Hà Nội cần tính đến phát triển không gian học tập, xã hội học tập cho học tập suốt đời, để nơi nào cũng có thể học, thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào về học tập. Bởi một đô thị đẳng cấp, chất lượng, đổi mới sáng tạo, đô thị số không thể thiếu việc này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội cần có một kế hoạch, chiến lược để đạt mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp