Phóng viên chiến trường, mục tiêu của những kẻ khủng bố

Hoàng Hà| 21/06/2015 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây, sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố trên toàn thế giới khiến nghề làm báo trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nhiều vụ giết nhà báo ghê rợn của nhóm al-Qaeda hay nhóm Hồi giáo IS khiến thế giới không khỏi giật mình.

Trong số đó, phải kể đến cái chết nghiệt ngã của hai nhà báo Mỹ - James Foley và Steven Sotloff hay phóng viên Kenji Goto của Nhật.

Đầu tiên có lẽ phải kể tới cái chết đau đớn của nhà báo Mỹ, James Foley, một nhà báo tự do, cộng tác cho một số tờ báo, hãng tin lớn như AFP, GlobalPost… Trong 5 năm cuối đời hành nghề, anh gắn bó với Trung Đông. Anh từng bị lực lượng trung thành với Tổng thống Moammar Gaddafi bắt ở Libya hồi tháng 4/2011 trong cuộc nội chiến ở nước này cùng với 3 đồng nghiệp khác và được thả ra sau đó 44 ngày. Nhưng sau đó, anh lại quay lại tác nghiệp ở chiến trường Syria.

Anh tâm sự rằng, điều khiến anh buồn nhất là biết mình đang làm gia đình lo lắng. Một người bạn nói rằng, Foley biết rõ nghề nghiệp của mình là rất nguy hiểm, nhưng "anh ấy tin vào những gì anh ấy đang làm", đó là đưa tin về cuộc khủng hoảng Syria. Foley từng khẳng định: “Tôi tin rằng báo chí chiến trường là vô cùng quan trọng. Không có những bức ảnh và video và trải nghiệm tại chiến trường, chúng ta không thể kể cho thế giới về sự tồi tệ của chiến tranh”.

Anh bị phiến quân IS bắt cóc ngày 22/11/2012 khi đang đưa tin cho trang Global Post ở thị trấn Taftanaz - Syria, nhưng mãi cho tới 26/11/2013, nhóm khủng bố này mới gửi lá thư điện tử đầu tiên tới gia đình Foley đòi tiền chuộc với số tiền lên tới 100 triệu Euro (132 triệu USD), sau khi chứng minh rằng mình đang giam giữ Foley. Cho tới 12/8/2012, chúng lại tiếp tục gửi lá thư thứ 2 tới gia đình anh.

Nhiều nguồn tin cho hay, trong thời gian bị IS giam giữ, Foley cùng với 4 con tin phương Tây khác đã bị tra tấn dã man bằng nhiều hình thức. Trong đó, có cả hình thức “trấn nước”, hình thức từng được CIA sử dụng để thẩm vấn các nghi phạm khủng bố sau vụ 11/9.

Cho tới ngày 19/8/2014, xuất hiện một đoạn video có tựa đề “Thông điệp gửi nước Mỹ” do IS đăng tải trên Youtube từ một địa điểm bí mật. Trong đoạn video, Foley đã nói những lời cuối cùng trước khi bị hành quyết, anh cáo buộc Chính phủ Mỹ mới là những người kết án tử đối với anh. Một phiến quân nói giọng Anh và tự nhận là một thành viên của IS nói rằng cái chết của Foley là hệ quả trực tiếp của việc Mỹ ném bom các mục tiêu của IS tại Iraq. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn tới cái chết đau đớn của Foley được cho là IS không nhận được khoản tiền chuộc con tin từ phía Mỹ.

Phóng viên chiến trường, mục tiêu của những kẻ khủng bố

Nhà báo Mỹ, James Foley tại chiến trường Trung Đông 

Dã man hơn, sau khi chặt đầu Foley, IS tiếp tục rao bán thi thể anh cho gia đình với giá 1 triệu USD với điều kiện họ phải trả tiền trước. Nhưng yêu cầu này lại một lần nữa không được Chính phủ Mỹ chấp nhận.

Ngay sau khi hành quyết Foley không lâu, ngày 3/9/2014, Nhà nước Hồi giáo lại tiếp tục tung ra một video hành quyết nhà báo Mỹ thứ 2, Steven Sotloff. Trong đó, nhà báo Sotloff mặc bộ đồ màu da cam và quỳ ở sa mạc ngay bên cạnh một tay súng bịt mặt. Tên này đã chỉ trích các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào IS, sau đó chặt đầu Sotloff. Đoạn băng kết thúc bằng cảnh một chiến binh mặc đồ đen đứng bên cạnh anh Sotloff và nói: “Cuộc sống của công dân Mỹ này phụ thuộc vào quyết định tiếp theo của ông Obama”.

Phóng viên chiến trường, mục tiêu của những kẻ khủng bố

Nhà báo Kenji Goto khi đang tác nghiệp tại Syria

Sotloff, 31 tuổi là một nhà báo tự do, Sotloff đã viết cho nhiều hãng tin, trong đó có TIME, Foreign Policy, Christian Science Monitor và Tạp chí World Affairs. Anh đã tác nghiệp ở nhiều nước, trong đó có Ai Cập, Libya và Syria. Anh từng dành nhiều năm ở Trung Đông và thường tập trung vào khía cạnh con người của xung đột, viết về cảnh ngộ của thường dân phải di dời ở Syria đang chật vật đối mặt với nạn thiếu ăn và không nơi trú ẩn hồi đầu năm 2013. Các bài báo của Sotloff cho thấy rõ quyết tâm của anh khi tác nghiệp từ thực địa, bất chấp những mối nguy tiềm ẩn. Trong một bài viết năm 2013 từ Ai Cập, Sotloff miêu tả chuyến thăm của anh tới một trại biểu tình của tổ chức Tình anh em Hồi giáo, bất chấp bạn bè cảnh báo rằng ở đó vô cùng nguy hiểm.

Đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Mỹ cho biết, anh đã bị bắt cóc tại một khu vực ở Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8/2013.

Đến đầu năm 2015, những phiến quân nhà nước Hồi giáo lại khiến giới báo chí giật mình khi tiếp tục tung ta một đoạn băng video hành quyết nhà báo Kenji Goto của Nhật. Ông Goto được nhiều người biết đến ở Nhật Bản, chuyên tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm mà nhiều phóng viên phải né tránh.

Goto bị nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt cóc khi đang cố tìm cách cứu người bạn của mình. Trước đó, Yukawa, bạn của Goto bị bắt cóc ở ngoại ô thành phố Aleppo, Syria tháng 8/2014. Nhưng cho tới tháng 20/1/2015, IS mới chính thức công bố đã bắt giữ Yukawa và Goto. Sau đó, yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải chi trả 200 triệu USD tiền chuộc. Khi chính sách đòi tiền chuộc bất thành, chúng lại quay ra đòi trao đổi con tin nhưng cũng không đạt được.

Phóng viên chiến trường, mục tiêu của những kẻ khủng bố

Nhà báo Steven Sotloff trước khi bị IS hành quyết

Cũng giống như hai video hành quyết hai nhà báo Mỹ trước đó, Goto mặc bộ đồ màu da cam và quỳ bên cạnh một người đàn ông bịt mặt cầm con dao. Kẻ bịt mặt tuyên bố vụ xử tử nhà báo Goto là hệ quả từ những quyết định “liều lĩnh” của Tokyo và sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho “cơn ác mộng của Nhật Bản”, ngụ ý sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tấn công tiếp theo nhằm vào nước này.

Bên cạnh đó, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS còn giết hại nhiều nhà báo địa phương tại Iraq và Syria. Theo các nhà phân tích, việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) liên tục đưa ra hình ảnh hành quyết nhà báo không chỉ để trả đũa Washington, đòi tiền chuộc mà còn nhằm tuyển mộ tân binh, răn đe dân thường và kích động phương Tây can thiệp quân sự vào Iraq và Syria.

Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) có trụ sở tại Paris (Pháp), trong năm 2014 có tới 66 nhà báo bị giết chết khi tác nghiệp tại các điểm nóng trên thế giới. Bên cạnh đó, có tới 119 nhà báo bị bắt cóc. RWB cũng chỉ ra rằng, những hành động bạo lực chống lại các nhà báo từ các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng dã man hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên chiến trường, mục tiêu của những kẻ khủng bố