Quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới

Thảo Nguyên| 24/08/2018 18:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc diễn ra ngày 24/8 ở Hưng Yên.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường Việt Nam có khoảng 22.000 loại thuốc với rất nhiều tên gọi khác nhau. Và người dân khi đi mua thuốc không ai mặc cả giá, luôn sẵn sàng bỏ tiền ra mua thuốc.

Việc quản lý bán thuốc tại thuộc tại Việt Nam thuộc dạng lỏng lẻo hàng bậc nhất trên thế giới. Ở bất cứ đâu người dân cũng tự mua được kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ. Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm.

Mặt khác, nhờ triển khai đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, mỗi năm, chúng ta đã giảm khoảng 10% giá thuốc. Tuy nhiên, giá các loại thuốc thông dụng được bán tại các nhà thuốc vẫn bị thả nổi; chúng ta chưa có công cụ hữu hiệu giúp người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường…

Quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra thực tế tại các nhà thuốc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

"Cần phải khắc phục bằng cách kết nối các nhà thuốc lại, sẽ có thêm dữ liệu để quản lý, các nhà thuốc có thêm công cụ tối ưu hoá việc kinh doanh, lợi nhất là người dân bởi họ biết được chất lượng thế nào, nguồn gốc, hạn sử dụng ra sao... và có thể so sánh giá thuốc của nhiều nhà thuốc", ông Vũ Đức Đam nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, tỷ lệ thuốc kém chất lượng, thuốc giả ở nước ta chỉ bằng 1/3 các nước ASEAN nhưng không vì thế mà lơ là trong quản lý. Cùng với việc nối mạng hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc, ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương cũng cần tập trung hoàn thành việc quản lý hồ sơ sức khỏe của từng người dân, tránh tình trạng chỉ có cán bộ mới được theo dõi sức khỏe như hiện nay.

“Phải làm rất nhanh, lợi cho dân ngày nào phải làm sớm ngày đó”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế nhanh chóng hoàn thành việc tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người dân.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã bấm nút triển khai hệ thống kết nối các nhà thuốc. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã đi thị sát tại một số nhà thuốc tại thành phố Hưng Yên đang sử dụng phần mềm quản lý thuốc qua mạng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu bảo đảm cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.

Vị tư lệnh ngành y đánh giá, hệ thống quản lý dược quốc gia được coi là là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Trước khi đưa vào vận hành chính thức, hệ thống kết nối các nhà thuốc được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh và đến nay, đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia vào hệ thống, cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông kết nối hơn 22.000 đơn thuốc và đem lại kết quả tốt.

Hiện, trên toàn quốc có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 71,15% cơ sở có kết nối Internet, nhưng chỉ có gần 48% sử dụng phần mềm để quản lý kinh doanh thuốc của cơ sở với 23 phần mềm đang được sử dụng.

Đến nay, Bộ Y tế cũng đã chuẩn hoá được 52.000 trên khoảng 60.000 danh mục thuốc y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới