Để trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), các nước không được để tồn tại án tử hình. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói sẵn sàng khôi phục án tử hình và áp dụng với hàng loạt tù nhân bị bắt trong vụ đảo chính bất thành.
Khôi phục án tử hình - ng Erdogan không còn quan tâm đến tư cách thành viên EU
Cao ủy về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bà Federica Mogherini cảnh báo, bất cứ một thành viên nào là thành viên của EU thì không được tồn tại án tử hình. Bà cũng lưu ý rằng, Ankara là một thành viên của Hội đồng châu Âu và bị ràng buộc bởi Công ước châu Âu về Nhân quyền, vốn quy định rất rõ ràng về án tử hình.
Đây được coi là một thông điệp cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, họ sẽ xem xét tái sử dụng án tử hình ở đất nước này, như một phần trong lời hứa “trừng phạt không thương tiếc” đối với bất kỳ ai tham gia cuộc đảo chính hôm 15/7.
Trong một tình tiết liên quan, ngày 18/7, phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cũng tuyên bố, "khôi phục án tử hình là dấu chấm hết cho quá trình đàm phán gia nhập EU của ThổNhĩ Kỳ”.
Trước tuyên bố của Tổng thống Erdogan, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng, việc khôi phục án tử hình có thể là một quyết định sai lầm. Ông kêu gọi quốc hội, trong thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần chú ý đến nhu cầu của người dân trong nước, đó là gia nhập EU.
Ông Binali Yildirim cũng lưu ý rằng nếu khôi phục án tử hình sẽ phải sửa đổi hiến pháp.
Tuy nhiên, sáng 19/7, Tổng thống Erdogan lại một lần nữa khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng khôi phục án tử hình bởi đây là yêu cầu của người dân đối với những kẻ tham gia đảo chính. Ông dẫn chứng, “Ngày nay, án tử hình liệu có được duy trì ở Mỹ không? Ở Nga?, Ở Trung Quốc? Ở các quốc gia trên thế giới? Chỉ có ở châu Âu mới không có án tử hình”.
Trả lời phỏng vấn trên CNN, ông Erdogan cho rằng, “Tại sao chúng ta phải giam giữ những kẻ đảo chính, phải cho chúng ăn trong nhiều năm tới”. Ông đồng thời khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ là nước “dân chủ theo nguyên tắc của pháp luật” và “bạn không thể làm ngơ trước yêu cầu của người dân”.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhóm họp vào ngày 20/7 để thảo luận về vấn đề này. Sau khi được quốc hội tán hành, ông Erdogan sẽ ký thành luật để khôi phục án tử hình – một hình phạt mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ sau một loạt những cải cách trong nỗ lực đạt được những yêu cầu khắt khe để gia nhập EU vào năm 2004.
Ông Howard Eissenstat, phó giáo sư tại Đại học St. Lawrence ở Canton, New York đưa ra nhận định sau khi Tổng thống Erdogan đưa ra quyết định này rằng, ông Erdogan không còn quan tâm đến tư cách thành viên EU sau cuộc đảo chính.
Hơn 6.000 binh sỹ trong quân đội các cơ quan tư pháp cùng các cơ quan nhà nước khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7, khiến ít nhất 290 người thiệt mạng.