Đảm bảo cân bằng thu chi ngân sách năm 2015

Mai Thoa| 09/10/2014 21:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên bế mạc hôm nay 9/10, UBTVQH cho ý kiến các Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2014; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những kết quả trên là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Trong đó, nổi lên là những khó khăn, tác động không thuận của tình hình thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, sụt giảm mạnh về số lượng tiêu thụ, xuất khẩu hoặc về giá một số hàng hóa như cao su, than đá, cà phê... Việc cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo cân bằng thu chi ngân sách năm 2015

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên bế mạc

Chính phủ xác định, năm 2015, tiếp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, song đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 2014. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2% so với năm 2014; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 28% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%...

Để đảm bảo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, Ủy ban Kinh tế đã đề xuất một số giải pháp cụ thể mang tính đột phá như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, tạo sự thay đổi, đột phá mạnh mẽ về thể chế quản lý nhà nước... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định để thu hút các nguồn lực đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm có giải pháp về thuế, lãi suất.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ghi nhận những mặt tích cực và chỉ ra một số những tồn tại, yếu kém trong cơ cấu và trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá các chỉ tiêu kinh tế năm 2014 để từ đó phân tích, dự báo đến 2015 phát triển như thế nào bởi cơ cấu nền kinh tế, năng suất chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh còn yếu. Lạm phát dù đã được kiềm chế nhưng chưa thể yên tâm; nợ công vẫn còn là mối đe dọa, năng suất lao động thấp…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải rà soát lại thu ngân sách năm 2014. Cơ cấu chi ngân sách hiện nay là 70% ngân sách dùng cho chi thường xuyên, còn 30% để trả nợ và chi cho đầu tư phát triển. Do đó, phải tính toán loại cơ cấu thu chi ngân sách, bảo đảm cân bằng thu chi năm 2015 về được mức 50% ngân sách chi thường xuyên, 20% chi trả nợ và 30% chi cho đầu tư phát triển.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo cân bằng thu chi ngân sách năm 2015