Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Thi tuyển lãnh đạo để bổ khuyết những điểm còn tồn tại trong bổ nhiệm cán bộ

Mai Thoa| 26/03/2014 13:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc thi tuyển công khai vị trí lãnh đạo cấp Vụ do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây được coi là một chủ trương mới mà người dân rất quan tâm, ủng hộ.

Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Thi tuyển lãnh đạo để bổ khuyết những điểm còn tồn tại trong bổ nhiệm cán bộ

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

PV: Cuộc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp (HVTP) vừa qua, ứng viên trẻ không có trong quy hoạch đã trúng tuyển. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Có thể nói, đây là một cuộc thi tuyển trực tiếp diễn ra hết sức khách quan, công khai, minh bạch. Người trúng tuyển vị trí này sẽ được bổ nhiệm trong vài ngày tới mà không cần qua các quy trình như bình thường. Có thể thấy rằng, những người đã dũng cảm tham gia kỳ thi này họ đã chuẩn bị tốt về nội dung, tinh thần, tư thế để sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có sự giám sát.

Quá trình thi tuyển, chúng tôi đã cố gắng tối đa dân chủ, công khai, minh bạch. Với Hội đồng thi tuyển gồm 13 người đại diện cho các cơ quan như TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương… Đặc biệt là mời tất cả CBCCVC Học viện Tư pháp (HVTP) đến dự để quan sát, có quyền chấm các ứng cử viên; phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội đều đến dự và đưa tin trực tiếp. Kết quả được lựa chọn là sự đánh giá khách quan của Hội đồng thi tuyển, quan trọng hơn đây là kỳ thi tuyển lãnh đạo của HVTP nên sự tham gia của CBCCVC HVTP ngoài ý nghĩa lấy phiếu thì mọi người được chứng kiến cách làm công khai, minh bạch của Hội đồng thi tuyển và người trúng tuyển được bổ nhiệm, tôi tin sẽ nhận được sự ủng hộ của tập thể CBCCVC HVTP, cùng làm tốt hơn các công việc, nhiệm vụ được giao.

PV: Xuất phát từ đâu để Bộ Tư pháp lựa chọn hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Từ chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng đã triển khai từ khi thông qua đề án cách đây hai năm, tuy nhiên đây là lần đầu tiên mở rộng để thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ.

Bộ Tư pháp đã quyết định tổ chức thi tuyển ở ba vị trí: Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, một thủ trưởng đơn vị thuộc Tổng Cục THADS và một Trưởng phòng thuộc một đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, nhưng rất tiếc là hai vị trí kia chỉ có một ứng cử viên lại là người tại chỗ, nằm trong quy hoạch nên chúng tôi thấy thi cử không có ý nghĩa vì thiếu tính cạnh tranh, nên chỉ cần làm theo quy trình bổ nhiệm cán bộ thông thường.

HVTP có đặc thù là đào tạo không chỉ các chức danh tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý mà còn có cả các chức danh do TANDTC, VKSNDTC, LĐLSVN tham gia quản lý nên chúng tôi rất muốn mở rộng đối tượng. Trong đề án có mời cả những Luật sư đang hành nghề, pháp chế các Bộ, doanh nghiệp Nhà nước, nhưng tiếc là sự hưởng ứng cũng vẫn chỉ là từ các đơn vị thuộc Bộ.

PV: Trong mỗi lần bố trí, sắp xếp lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng, các đơn vị lâu nay do cấp trên lựa chọn cấp dưới. Lần này tổ chức thi tuyển, ông có kỳ vọng gì vào sự đổi mới không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Lâu này chúng ta thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ trên cơ sở quy hoạch. Đương nhiên, quy hoạch sẽ mang tính chủ động và gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, thậm chí cả luân chuyển. Tôi cho đó là một cách làm rất hay, bởi phần lớn cán bộ lãnh đạo quản lý của Bộ Tư pháp là được bố trí theo quy hoạch và phải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện. Quy hoạch có mặt tốt nhưng cũng có mặt còn hạn chế là việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ở những nguồn khác ngoài Bộ, ngành, thậm chí ngoài cơ quan Nhà nước là không thể hoặc khó quy hoạch. Thậm chí, ngay trong Bộ, có nơi, có lúc làm quy hoạch, người ta cũng mang tư tưởng khép kín người của mình mà không mở rộng nên chúng tôi cho rằng phương thức thi tuyển lãnh đạo là một thách thức nữa để bổ khuyết cho điểm còn tồn tại trong việc bổ nhiệm cán bộ theo quy hoạch, quy trình.

Hình thức bổ nhiệm lâu nay tuy có đóng góp nhất định vào việc xây dựng đội ngũ, vẫn có những bất cập như chưa đánh giá được toàn diện năng lực công chức, đặc biệt là những kỹ năng thực tiễn, tuổi đời bình quân của người được bổ nhiệm tương đối cao, chưa thu hút được người trẻ có tài vào công tác quản lý...

PV: Vậy thì nếu thí điểm thành công có cần phải thực hiện quy hoạch cán bộ dài hạn nữa không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Vẫn phải quy hoạch. Đây là chủ trương đúng đắn, rất cần phải làm nhưng như tôi đã nói, để bổ khuyết cho quy hoạch thì việc thi tuyển cần tăng cường. Hai hình thức này được thực hiện song song với nhau, mỗi kỳ đều cùng thực hiện quy hoạch và thi tuyển, lựa chọn một số chức danh thì rất tốt.

Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý nhưng trước đó, HVTP đã từng tổ chức thi tuyển cho vị trí Trưởng phòng một đơn vị thuộc Học viện. Kết quả chứng minh người trúng tuyển đã thực hiện tốt đề cương, đề án mà họ đã bảo vệ trước Hội đồng thi tuyển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức  thi tuyển công khai chức danh Phó Giám đốc HVTP. Tham gia thi tuyển có hai thí sinh là TS. Nguyễn Xuân Thu (Phó trưởng ban thư ký, Văn phòng Bộ Tư pháp) và TS. Nguyễn Văn Điệp (Trưởng Khoa đào tạo luật sư, Học viện Tư pháp). Cùng với việc thuyết trình, bảo vệ Đề án “Giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong tình hình mới”, các thí sinh đã trả lời nhiều câu hỏi tình huống của Hội đồng thi tuyển để có đánh giá toàn diện đối với năng lực, kinh nghiệm, khả năng chuyên môn của các thí sinh. Kết quả, TS. Nguyễn Xuân Thu đã trúng tuyển chức danh này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Thi tuyển lãnh đạo để bổ khuyết những điểm còn tồn tại trong bổ nhiệm cán bộ