Bạo lực học đường: Nỗi ám ảnh bao giờ chấm dứt?

Xuân Lan (TH)| 05/11/2022 07:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây liên tiếp những vụ bạo lực học đường xảy ra và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng. "Cơn sóng" hung hãn, côn đồ, mất kiểm soát dường như ngày càng nhiều ở lứa tuổi mới lớn. Đây không còn là câu chuyện của riêng ai nhưng làm thế nào để có thể ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này?

Unicef định nghĩa, bạo lực học đường (bắt nạt học đường) là các hành vi chế giễu bằng lời nói, đánh đập, gây thương tích cho bạn học bằng vật dụng hay bằng tay chân...

Những hành vi này gây tổn thương về thể chất và tâm lý học sinh ở nhiều cấp độ, nặng nhất là khiến trẻ trầm cảm, tự vẫn. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, mà có thể xảy ra giữa giáo viên và học sinh, giữa phụ huynh với học sinh...

Theo số liệu UNICEF công bố năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới - ước tính khoảng 150 triệu - cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2011 đến hết quý 1 năm 2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng và 15.757 người là nạn nhân.

Trong đó, phần lớn vụ việc là đánh nhau gây thương tích, chiếm 64,01%, uy hiếp tinh thần chiếm 4,92%, xâm hại tình dục chiếm 1,37% và các hình thức khác chiếm 26,9%.

Trong tổng số 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường giai đoạn 2011-2018, có 251 đối tượng là nhà giáo (chiếm 0,77%) và 163 cán bộ quản lý (chiếm 0,5%).

Mới đây, câu chuyện một học sinh tại Hà Nội bị thương nặng sau khi nhảy từ tầng 3 của tòa nhà trong trường học lại thêm lần nữa khiến cộng đồng xã hội bàn luận về bạo lực học đường.

Trường THCS Đức Giang (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là nơi em học sinh lớp 9 đã nhảy xuống từ tầng 3 vì bị trêu chọc quá mức. Lớp học nằm ở tầng 3 và em học sinh đã nhảy từ trên xuống. May mắn là em rơi vào bụi cây trước khi ngã xuống sân bê tông. Tính mạng còn nhưng chấn thương nặng.

Mẹ của nạn nhân cho biết, con trai chị phải nhảy lầu vì các bạn trêu chọc quá mức. ''Cháu bị các bạn tụt quần trước các bạn cả nam, cả nữ trong giờ thể dục. Thế nhưng đã vào lớp rồi, các bạn lại cười chê, cười nhạo đến nỗi cháu hành động không đúng như thế''. Mẹ em học sinh này cũng cho biết, em đã từng bị bạo lực tại trường.

Vụ việc xảy ra cách đây nửa tháng, vào ngày 21/10 nhưng chỉ sau khi 1 clip về vụ việc được phát tán thì dư luận mới được biết đến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ báo cáo sự việc.

Nếu tìm kiếm trên các trang mạng xã hội sẽ có hàng trăm đoạn clip như vậy và còn biết bao nhiêu sự việc đã diễn ra mà nạn nhân âm thầm chịu đựng thương tổn nặng nề về thể chất lẫn tinh thần trong khi người lớn không hề hay biết.

bao-luc.jpg
Bạo lực học đường không còn là câu chuyện của riêng một đối tượng nào mà cần sự quan tâm, chung tay giải quyết của toàn xã hội.

Hậu quả của những sự việc này rất khủng khiếp. Đó không phải chỉ là những vết bầm trên thịt da mà là những vết thương tâm lý khó xóa nhòa. Đó còn là những sinh mạng vĩnh viễn bị cướp mất, là những khoảng trống không bao giờ có thể lấp đầy của biết bao gia đình.

Thực sự "cơn sóng" hung hãn, côn đồ, mất kiểm soát dường như ngày càng nhiều ở lứa tuổi mới lớn. Bạo lực học đường không còn là câu chuyện của riêng một đối tượng nào mà cần sự quan tâm, chung tay giải quyết của toàn xã hội.

Từ nhà trường, gia đình và các tổ chức bảo vệ trẻ em cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để đẩy lùi "ung nhọt" này ra khỏi ngành giáo dục. Dù biết đây không phải là việc làm một sớm một chiều nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bất lực, để chuyện "tới đâu thì tới" rồi mỗi khi xảy ra một vụ việc lại tìm hướng giải quyết.

Vấn đề cốt lõi là xác định từng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bộ phận liên quan để có những hướng giải quyết mạnh mẽ hơn.

Các cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với những bạn trẻ có hành vi sai trái... Đây chỉ mới là sự tiếp cận phần ngọn của vấn đề.

Còn nhà trường và gia đình phải có chung mục tiêu cốt lõi là cần tìm ra những biện pháp phòng tránh, ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trong tương lai.

Gia đình sẽ là nơi các em tìm đến đầu tiên khi có những bất ổn trong trường và vấn đề tâm lý. Chính vì vậy đây phải là nơi an toàn, đáng tin cậy, sẵn sàng lắng nghe và phát hiện những dấu hiệu bất thường cho các em.

Còn nhà trường, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, quan sát, nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc từ khi vừa manh nha, tạo những chuyển biến tích cực, gắn bó trong mối quan hệ thầy - trò, xây dựng những điển hình tốt để học sinh học hỏi, noi theo.

Vai trò của người lớn thể hiện ở nhiều hoạt động: phòng ngừa, can thiệp sớm, hạn chế nguy cơ bị bạo lực, xâm hại của tuổi học trò. Phải xem trọng việc giáo dục đạo đức, tôn vinh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn, giáo dục cách ứng xử văn minh, giải quyết vấn đề khi gặp mâu thuẫn cho các em.

Với mỗi người lớn, chúng ta xin hãy dừng những suy nghĩ, lời nói hành vi bạo lực ở bất cứ đâu, trên mạng xã hội, ở nhà, ở ngoài đường… nhất là trước mặt trẻ. Mỗi khi chúng ta có bất cứ một biểu hiện bạo lực nào, dù chỉ là suy nghĩ hay lời nói, đều đang ảnh hưởng ngay lập tức tới con trẻ xung quanh. Khi người lớn còn cãi nhau trên mạng, còn cãi nhau, đánh chửi nhau ngoài quán nhậu, trên đường phố… thì chúng ta không thể mong trẻ ngưng bạo lực.

Người lớn chúng ta hãy thay đổi trước khi muốn trẻ thay đổi. Hãy lan tỏa suy nghĩ, cảm xúc, hành vi thiện với tâm yêu thương, phi bạo lực, không gây hại… Khi đó chúng ta sẽ dần cảm hóa những ai còn bạo lực quanh ta. Xã hội không bạo lực khi chính mỗi người chúng ta nói không với bạo lực.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường: Nỗi ám ảnh bao giờ chấm dứt?